Trung tâm bán lẻ chuyển mình trước “sóng lớn”

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 13 Tháng Bảy 2017 15:00:00

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, chính vì thế cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng khắc nghiệt.

Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong tốp 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, theo Tập đoàn Tư vấn thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố hằng năm. Đặc biệt những năm gần đây, Việt Nam luôn đứng trong Top 10 các thị trường hấp dẫn cho nhà đầu tư tham gia. Thế nhưng việc kinh doanh cũng không hẳn dễ dàng.

Cũ ra đi - mới xuất hiện

Theo bảng xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2016 mà hãng tư vấn A.T.Kearney của Mỹ vừa công bố, Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2015, giành vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng này. A.T.Kearney cho rằng với các chính sách phù hợp của Chính phủ, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và độ tuổi dân số tương đối trẻ, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan về sự phát triển của Việt Nam.

Với nhận định này, không khó hiểu khi ngày càng có nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam. Có thể kể đến những gương mặt như : Takashimaya, Aeon, Lotte Mart, Auchan, BigC, Central và mới đây nhất là 7-Eleven. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, chúng ta đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ với doanh thu đạt khoảng 110 tỷ USD. Theo dự báo của hiệp hội này, trong 5 năm tới, doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt 179 tỷ USD.

Dù sự nở rộ của các trung tâm thương mại có cái lợi là đưa lại cơ hội có thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng đối với các doanh nghiệp, đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt. Áp lực đó không chỉ diễn ra với các doanh nghiệp nội địa vốn bị xem là yếu kém về khả năng tài chính, về nguồn vốn, quản trị… mà cả các tập đoàn ngoại khi tham gia thị trường Việt Nam cũng không tránh khỏi áp lực cạnh tranh. Điều này phần nào có thể lý giải cho những cuộc ra đi và nhường thị trường lại cho những tên tuổi mới. Ví dụ như năm 2016, Tập đoàn bán lẻ Pháp Casino - đơn vị sở hữu thương hiệu Big C, sau 18 năm có mặt đã chính thức rời Việt Nam, bán toàn bộ hệ thống này cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan. Hay trong năm 2015, tập đoàn bán lẻ của Đức cũng bán chuỗi siêu thị Metro Việt Nam cho nhà đầu tư Central Group (Thái Lan).

Ngoài ra, dù chưa rút hẳn khỏi Việt Nam, nhưng Trung tâm Thương mại Parkson của Tập đoàn Lion (Malaysia) sau 12 năm kinh doanh đã liên tục đóng bớt một số địa chỉ ở Hà Nội và TP.HCM.

Ngoài sự rút lui của nhà bán lẻ đến từ Pháp, Đức và Malaysia... nhiều siêu thị trong nước cũng âm thầm rời khỏi cuộc chơi hoặc thay tên đổi chủ như Nguyễn Kim rơi vào tay Central Group (Thái Lan); Maximart và Vinatex Mart cũng bán lại cho VinMart...

Ngược lại từ năm 2012, gã khổng lồ trong lĩnh vực này là Takashimaya (Nhật Bản) cũng đã đầu tư khoảng 47 triệu USD vào Việt Nam bao gồm trung tâm thương mại Saigon Centre và nhiều bất động sản khác. Một số thương hiệu khác cũng liên tục mở rộng hoạt động. Ví dụ như một thương hiệu khác của Nhật Bản là Aeon hiện đã mở rộng ra với 5 trung tâm bán lẻ lớn tại Việt Nam.

Báo cáo mới đây của Aeon Mall cho biết, tháng 2/2017, Aeon Mall kết thúc niên độ tài chính năm 2016, dự tính doanh thu cả năm khoảng 280 tỷ Yên (2,44 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế 27 tỷ Yên (235,5 triệu USD), tăng trưởng lần lượt 22% và 10% so với năm trước. Đây được xem là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của Aeon Mall từ trước đến nay. Kết quả này nhờ vào hàng loạt trung tâm mua sắm mới được mở trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2014 - 2016, số lượng trung tâm được mở lên gấp đôi những năm trước, trong đó có Việt Nam. Hay một thương hiệu khác là Lotte Mart tuyên bố mở 60 siêu thị đến năm 2020, Auchan (Pháp) vào Việt Nam từ năm 2014 đến nay đã mở được 10 siêu thị...

Nhiều nơi ế ẩm…

Mặc dù liên tục mở rộng, nhưng nhiều nhà bán lẻ công bố vẫn chưa có lợi nhuận tại Việt Nam. Ví dụ Lotte sau 10 năm kinh doanh vẫn bị thua lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng. Sau câu chuyện đóng cửa một số trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều địa chỉ còn lại của Parkson vẫn luôn đối diện tình trạng ế ẩm. Chỉ cần dạo một vòng quanh Parkson Lê Thánh Tôn hay Parkson Lê Đại Hành (TP.HCM) có thể nhận thấy, các cửa hàng khá vắng khách. Thậm chí, ngay Trung tâm thương mại Crescent Mall ở Quận 7 vào các ngày thường cũng không khá hơn.

Thực tế, sau khi liên tiếp đóng cửa các trung tâm thương mại, Parkson vẫn không thoát cảnh thua lỗ tại Việt Nam. Theo số liệu từ Parkson Retail Asia (đơn vị sở hữu hệ thống Parkson tại Việt Nam), doanh thu tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay đạt khoảng 123 tỷ đồng, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục chịu lỗ thêm khoảng 19 tỷ đồng. Parkson cay đắng thừa nhận: "Môi trường bán lẻ tại Việt Nam đang hết sức khó khăn trong bối cảnh thị trường ngày càng chật chội". Niên độ tài chính của Parkson Retail Asia bắt đầu từ tháng 7 năm trước đến hết tháng 6 năm sau. Như vậy, sau 9 tháng của niên độ tài chính năm nay, Parkson đạt doanh thu khoảng 375 tỷ đồng và lỗ gần 50 tỷ đồng.

Hay như trước đó, câu chuyện Metro sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam cũng liên tục bị thua lỗ. Tổng cộng thương hiệu này có 11 năm bị thua lỗ với con số lũy kế lên gần 600 tỷ đồng. Đại gia phân phối của Đức này lập kỷ lục là một trong số những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thua lỗ lớn và dài nhất tại Việt Nam.

Còn báo cáo công bố vào tháng 10/2016 của công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel cho thấy, kênh bán lẻ hiện đại ở 4 thành phố lớn của Việt Nam đã tăng trưởng chậm hơn so với nhiều dự đoán trước đó.

Trong lúc đó, theo báo cáo tóm tắt thị trường bất động sản Việt Nam quý 4/2016 của Công ty JLL Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội chỉ đạt 76,5%, sức mua được ghi nhận vẫn khá thấp. Còn ở TP.HCM, công suất thuê tại các trung tâm thương mại khu vực trung tâm giảm so với quý trước đó (chỉ đạt 87%).

Không chỉ riêng tại Việt Nam, Công ty CBRE cũng công bố một khảo sát về thị trường bán lẻ khu vực Đông Nam Á đầu năm 2017 cho thấy, nhiều trung tâm mua sắm ở 6 thành phố: Bangkok, Hà Nội, TP.HCM, Jakarta, Kuala Lumpur, Singapore đã phải đóng cửa do vắng khách. Cuộc khảo sát này có độ phủ gần 4 triệu m2 nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới ở các thành phố Bangkok, Hà Nội, TP.HCM, Jakarta, Kuala Lumpur và Singapore. Điểm nhấn của báo cáo này là mặc dù nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á đang tăng 4-5% mỗi năm, nhưng lời cảnh báo cũng khiến các doanh nghiệp bán lẻ cân nhắc kỹ lưỡng.

Đơn vị này dự báo, thị trường bán lẻ sẽ có sự gia tăng đột biến về lượng sử dụng internet tại các nước đang phát triển, đặc biệt là Indonesia, Việt Nam nơi lượng sử dụng điện thoại di động có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Các cửa hàng bán lẻ hiện hữu vẫn sẽ là điểm mua sắm chính của người tiêu dùng Đông Nam Á trong vòng 5-10 năm tới và chiếm ít nhất hơn 90% tổng giá trị doanh số bán hàng. Tuy nhiên, các chủ trung tâm thương mại sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn vì cơn bão thay đổi thị hiếu người tiêu dùng diễn ra liên tục dựa trên nền tảng công nghệ. Điều này có nghĩa là người dùng có thể chuyển từ mua sắm offline sang online, khi đó mặt bằng bán lẻ rất có nhiều rủi ro thiếu vắng người mua sắm.

Bùng nổ quá nhu cầu

Người cũ ra đi, người mới đến cũng là chuyện bình thường trên thị trường. Nhưng theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Số lượng người mua hàng hiệu không phải quá nhiều. Từ đó nếu không đạt doanh thu thì sẽ bị thua lỗ. Tôi cho rằng phải đến khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên gấp 3-4 lần so với hiện nay thì có thể số lượng người mua hàng hiệu mới nhiều hơn. Khi đó mới đủ lượng khách hàng để các cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang cao cấp có thể phát triển mạnh.

"Bởi hiện nay nhu cầu ít thì chỉ cần một vài trung tâm là đủ, quá nhiều thì sẽ bị cạnh tranh gay gắt và ai không đủ sức thì sẽ chết. Vì vậy mô hình đại siêu thị hay trung tâm tổng hợp không phải chỉ chuyên kinh doanh quần áo thì mới có thể sống được trong giai đoạn hiện tại”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.

Đồng quan điểm, ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam nhận định, sự bùng nổ của các trung tâm thương mại thời gian qua tại Việt Nam vượt quá nhu cầu thật sự. Vì vậy Parkson chỉ hoạt động thuần túy là mua sắm thì khó thu hút được lượng khách hàng tham gia thường xuyên. Trong khi đó, những trung tâm lớn đang hoạt động hiệu quả như Vincom hay Aeon Mall và gần đây là Takashimaya ở Quận 1, TP.HCM đều là những trung tâm tổng hợp, bao gồm vui chơi, giải trí, ẩm thực và thậm chí còn kết hợp cả khu vực căn hộ gia đình…

Do đó, với các trung tâm thương mại hiện nay thì mua sắm chỉ là một hoạt động đi kèm các dịch vụ khác chứ không còn là hoạt động chính. Đó là chưa kể bản thân các trung tâm thương mại ra đời từ lâu như Parkson thì quy mô lại không đủ lớn nên càng khó cạnh tranh, ông Lê Phụng Hào nói

Lê Yến