Việc ngành khai khoáng sụt giảm mạnh (-8%) kéo theo đà tăng trưởng chậm lại của GDP cho thấy việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Việt Nam đòi hỏi nhiều thời gian và những tác động phụ mang tính tiêu cực là điều không thể tránh khỏi.
Tuy đang có những tín hiệu dần cải thiện nhưng mức tăng trưởng 5,73% của GDP trong 6 tháng đầu năm 2017 vẫn được đánh giá là khá thấp. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn đối với việc điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ trong 2 quý cuối năm nay.
Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn rất kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 và yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu các giải pháp để đạt mức tăng trưởng trên, điển hình là tăng sản lượng khai thác dầu và đẩy mạnh vốn đầu tư công.
Theo tính toán, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm nay thì tăng trưởng trong 2 quý còn lại đều phải đạt trên 7%. Đây là thách thức rất lớn khi thường các năm gần đây chỉ có quý IV GDP mới đạt mức tăng xấp xỉ 7%.
Nhìn từ khía cạnh tổng cung, nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, nếu muốn GDP trong quý III và quý IV có mức tăng trưởng đột biến, hi vọng sẽ được đặt chủ yếu vào khu vực công nghiệp và xây dựng. Lý do là khu vực này đang có mức tăng trưởng thấp hơn hẳn (chỉ đạt 5,81%) so với cùng kỳ hai năm trước đó (năm 2015 tăng 9%; năm 2016 tăng 7,12%).
Trên thực tế, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo hai quý vừa qua vẫn tăng trưởng tương đương với cùng kỳ năm ngoái (10,5%). Do vậy, yếu tố khiến toàn khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng chậm lại đến từ ngành khai khoáng với sự sụt giảm của hoạt động khai thác dầu thô.
Nhận thức được diễn biến biến trên, Chính phủ cũng đã xin phép Quốc hội được tăng sản lượng khai thác dầu thêm khoảng 1 triệu tấn (kế hoạch đầu năm là 12,28 triệu tấn) nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng trong ngắn hạn. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì khai thác thêm 1 triệu tấn dầu sẽ giúp GDP tăng trưởng thêm gần 0,2%.
Nhìn từ khía cạnh tổng cầu, BVSC cho rằng vẫn có cơ sở để kỳ vọng GDP sẽ được hỗ trợ nhiều hơn bởi tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư tư nhân, chi tiêu Chính phủ và tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm.
Với lạm phát đang có xu hướng giảm (giúp cải thiện sức mua của người dân), tiêu dùng cá nhân có thể sẽ được đẩy mạnh hơn từ nay cho tới cuối năm.
Đối với hoạt động đầu tư tư nhân, BVSC cho rằng, chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN đang tạo điều kiện để tín dụng tăng tốc mạnh (tính đến ngày 20/6/2017 đã đạt mức 7,54%) và dự kiến sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong 6 tháng tới.
Về đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư từ NSNN đang gặp những khó khăn nhất định khi tỷ lệ giải ngân mới đạt 38,7% kế hoạch năm. Tuy nhiên, Chính phủ gần đây đã liên tục chỉ đạo các bộ ban ngành phải tháo gỡ các nút thắt nhằm đẩy mạnh vốn đầu tư công hơn nữa. Nếu hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản được thông suốt, ngành xây dựng sẽ tăng trưởng tốt, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Thành tố cuối cùng là xuất khẩu nhưng BVSC chỉ kỳ vọng vào xuất khẩu các mặt hàng như nông sản, còn đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo thì xuất khẩu tăng thường kéo nhập khẩu tăng theo nên mức độ đóng góp vào tăng trưởng GDP cũng sẽ hạn chế hơn.
Mặc dù có những cơ sở nhất định để GDP tiếp tục cải thiện như phân tích ở trên nhưng nhận định chung của nhóm phân tích của BVSC, tăng trưởng GDP nhiều khả năng sẽ lại một lần nữa không đạt kế hoạch 6,7% đề ra ban đầu do mức tăng trong 6 tháng đầu năm là khá thấp.
Việc ngành khai khoáng sụt giảm mạnh (-8%) kéo theo đà tăng trưởng chậm lại của GDP cho thấy việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Việt Nam đòi hỏi nhiều thời gian và những tác động phụ mang tính tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Tuy vậy, hi sinh các mục tiêu ngắn hạn là điều cần thiết để Việt Nam hướng đến xu hướng tăng trưởng sâu và bền vững trong trung và dài hạn.
Bảo Lam