Nhiều khách sạn mới tại TPHCM đang được xây dựng và một số khách sạn hiện hữu được mở rộng để nắm bắt cơ hội trong mảng kinh doanh khách sạn đang nhộp nhịp. Dự kiến, TPHCM sẽ có thêm 13 khách sạn với 3.500 phòng trung và cao cấp đi vào hoạt động trong ba năm tới.
Theo khảo sát mới công bố hồi đầu tháng 7-2017 của Tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp Jones Lang LaSalle (JLL), hàng ngàn phòng nghỉ mới sẽ được đưa vào sử dụng tại TPHCM trong các năm tới.
Trong năm nay, khách sạn cao cấp Ascott Waterfront Saigon sẽ mở cửa với 217 phòng cao cấp. Đến năm sau, sẽ có thêm khách sạn Citadines Regency Saigon với 200 phòng cao cấp; khách sạn Majestic mở rộng với 325 phòng cao cấp; Holiday Inn & Suite Saigon Airport với 350 phòng trung cấp và VinPearl Hotel (Landmark 81) với 450 phòng cao cấp.
Năm 2019 sẽ có Dragon Tower với 120 phòng cao cấp và Hilton Saigon với 350 phòng cao cấp. Đến năm 2020 sẽ có 500 phòng cao cấp từ Okura Prestige Saigon và Ritz-Carlton Saigon...
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chưa chắc các khách sạn này đã đi vào hoạt động như dự kiến. Chẳng hạn, dự án mở rộng Majestic đã có từ lâu nhưng nay vẫn chưa thể xây dựng nhanh để hoàn thành vào năm sau.
Theo JLL, hàng loạt thương hiệu khách sạn quốc tế cao cấp đã vào TPHCM. Số lượng khách sạn cao cấp do các tập đoàn trong nước quản lý cũng nhiều hơn nên mức cạnh tranh cho các nhà vận hành khách sạn tại TPHCM cao hơn so với Hà Nội. Tương tự một số quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan... phân khúc khách du lịch có ngân sách vừa phải tại TPHCM đang tăng trưởng nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho phân khúc này còn ít.
"Các nhà phát triển nội địa như A&Em, Alagon, Odyssea và SilverLand chỉ là số ít các doanh nghiệp đang tham gia phân khúc này. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trên khắp đất nước", trích khảo sát của JLL.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hội khách sạn TPHCM cũng cho biết, khách sạn tại TPHCM kinh doanh tốt trong nửa đầu năm nay. Ước tính, công suất phòng bình quân cho khối khách sạn 3-4 sao là hơn 80%, khối 5 sao thấp hơn một chút. Dự báo cho cả năm 2017, có thể phân khúc 5 sao sẽ có công suất phòng bình quân là 70%, tăng khoảng 2 điểm phần trăm so với năm ngoái. Phân khúc 3-4 sao cỡ 80%, tăng khoảng 3 điểm phần trăm.
"Tuy giá bán phòng tăng rất ít nhưng nhờ công suất phòng bình quân cao nên việc kinh doanh tốt. Chúng tôi cũng ghi nhận nhu cầu của phân khúc cao cấp có giảm một chút trong khi nhu cầu với loại phòng có giá vừa phải đang tăng lên", ông nói.
Theo ông, nếu năm nay, TPHCM đón được 7 triệu lượt khách quốc tế như kỳ vọng của ngành du lịch thì hệ thống khách sạn vẫn đủ để phục vụ. Thành phố đang lên kế hoạch tăng trưởng du lịch rất cao cho năm nay và những năm tiếp theo nên sẽ cần thêm khách sạn. Vì thế, nếu có thêm 3.500 phòng mới đi vào hoạt động như dự kiến thì thị trường vẫn dung nạp được.
Còn công ty tư vấn bất động sản Savills Việt Nam dự báo từ quí 3-2017 đến năm 2020, TPHCM sẽ có gần 3.200 phòng khách sạn của 14 dự án gia nhập thị trường.
Trong báo cáo tình hình thị trường bất động sản quí 2-2017, Savills Việt Nam cho biết 1 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn 3 sao với tổng cộng 347 phòng đã gia nhập thị trường thành phố. Tổng cung thị trường tăng 2% theo quí và 7% theo năm.
Giá phòng khách sạn giảm ở cả 3 hạng trong quí 2, giảm trung bình 3% theo quí và 7% theo năm xuống còn 78 đô la Mỹ/phòng/đêm. Tuy nhiên, công suất phòng lại tăng 1 điểm phần trăm theo năm và được xem là bước cải thiện đáng kể trong bối cảnh tổng cung gia tăng liên tục nhờ khách quốc tế đến TPHCM tăng mạnh.
Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, tính đến tháng 2-2017, thành phố có 1.926 khách sạn được xếp hạng sao với 48.182 phòng, số còn lại là căn hộ du lịch và nhà nghỉ du lịch. Trong đó, có 116 khách sạn 3-5 sao với 14.641 phòng. Trong nửa đầu năm 2017, công suất phòng bình quân của hệ thống khách sạn đạt 70,7%. |
Đào Loan