Đã có 2 dự án BOT trong ngành điện, với tổng quy mô vốn gần 4,5 tỷ USD, được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 1 tháng qua.
Cuối tuần qua, Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 có tổng công suất 2 x 600 MW, sử dụng diện tích đất 242,71 ha, do các công ty Teakwang Power Holdings (Hàn Quốc) và Acwa Power (Arab Saudi) là chủ đầu tư với quy mô gần 2,2 tỷ USD, đã được trao giấy chứng nhận đầu tư.
Trước đó, đầu tháng 6/2017, giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án BOT Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) đã được trao cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Vào năm 2013, Dự án BOT Nghi Sơn 2 có tổng công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy 600 MW đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý giao Tổ hợp Công ty Marubeni (Nhật Bản) và Công ty KEPCO (Hàn Quốc) làm nhà đầu tư phát triển theo hình thức BOT sau một quá trình đấu thầu quốc tế rộng rãi.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng vốn đầu tư 48.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD), trong đó 25% tổng vốn đầu tư sẽ được góp bởi Liên danh Nhà đầu tư Marubeni - Kepco, 75% còn lại sẽ được huy động từ các ngân hàng quốc tế, bao gồm Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và một số ngân hàng thương mại quốc tế khác.
Chờ giải ngân
Hai dự án BOT của ngành điện có vốn đầu tư lên tới gần 4,5 tỷ USD, nhưng việc bao giờ bắt đầu triển khai xây dựng cũng như đưa vào vận hành vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Ngay tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án BOT Nam Định 1, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương thành lập doanh nghiệp BOT; chủ động làm việc với các cơ quan có liên quan đàm phán, ký kết các hợp đồng thành phần để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án. Về phía mình, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu phối hợp với nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, phục vụ khởi công Dự án vào giữa năm 2018.
Dẫu vậy, các chuyên gia từng tham gia các dự án BOT cho hay, ngay cả khi tất cả các hợp đồng thành phần được ký kết, thì nhà đầu tư còn phải trải qua bước thu xếp tài chính với thời gian 1 năm. Chỉ sau khi hoàn thành việc thu xếp tài chính, Dự án mới chính thức bước vào giai đoạn xây dựng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án BOT Nam Định 1 đã có hơn 10 năm để khảo sát, triển khai các thủ tục pháp lý với các bộ, ngành, địa phương.
Tại Dự án điện BOT Nghi Sơn 2, câu chuyện thu xếp tài chính được xem là rất triển vọng khi bên cho vay có thể hoàn tất thủ tục trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày Hợp đồng BOT có hiệu lực. Tuy vậy, Dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, nhưng Hợp đồng BOT với Bộ Công thương, hợp đồng mua bán điện vẫn chưa được ký chính thức.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, điểm gút hiện nay nằm ở Bộ Tư pháp và liên quan đến một số vấn đề pháp lý.
Cũng cần phải nhắc thêm rằng, Dự án BOT Nghi Sơn 2 từng được kỳ vọng là dự án kiểu mẫu về chọn nhà đầu tư triển khai đối với loại hình BOT trong ngành điện thông qua phương pháp đấu thầu quốc tế với sự trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), thông qua Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Mục tiêu khi đó được đặt ra là rút ngắn thời gian triển khai dự án BOT điện khi đã có một bộ quy trình chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, tính từ khi bộ hồ sơ mời thầu quốc tế được IFC đưa ra vào năm 2008 tới nay, đã gần 10 năm trôi qua.
Đến năm 2013, khi được trao quyết định đầu tư, Dự án BOT Nghi Sơn 2 đã có kế hoạch hoàn tất xây dựng tổ máy đầu tiên có công suất 600 MW vào tháng 9/2019; tổ máy thứ hai với công suất 600 MW dự kiến hoàn tất vào tháng 3/2020. Nhưng đến thời điểm này, chỉ riêng việc xây dựng sẽ cần thêm ít nhất 4 năm nữa.
Thanh Hương