“Đua” với hàng không mùa cao điểm

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 20 Tháng Sáu 2017 14:34:00

Các hãng hàng không đang tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần mùa cao điểm hè 2017, với mức giá vé chỉ từ 0 đồng đến vài chục nghìn đồng. Về phía khác hàng, hành trình “săn” vé giá rẻ cũng là một cuộc đua cam go không kém.

Dịp hè là mùa cao điểm đi lại, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân. Để thu hút khách hàng, các hãng hàng không ngoài việc tăng chuyến bay, nâng cao chất lượng dịch vụ, đang đẩy mạnh chiến dịch “giảm giá”. Để giành thị phần, các hãng triển khai những gói ưu đãi về giá khác nhau như chỉ bán vào dịp cuối tuần theo khoảng thời gian nhất định trong ngày, trong năm.

Cuộc đua giá vé

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air có chương trình giờ vàng “12h rồi, Vietjet thôi” hay “Hè bay Free, đi thỏa thích” với 1 triệu vé siêu tiết kiệm giá chỉ từ 0 đồng vào khung giờ vàng 12h – 14h trên website của hãng.

Còn Jetstar Pacific thường xuyên bán vé giá rẻ vào thứ Sáu hằng tuần. Tiêu biểu như chương trình “Ba tiếng mỗi ngày – Thỏa ước mơ bay” với vé bay chỉ 11.000 đồng; chương trình “Cuối tuần siêu khuyến mại” giá vé ở mức 0 đồng, 9.000 đồng, 69.000 đồng, 199.000 đồng và 299.000 đồng.

Không nằm ngoài cuộc đua, Vietnam Airlines (VNA) cũng thực hiện các gói ưu đãi đặc biệt cho nhiều điểm đến nội địa với giá vé từ 399.000 đồng/chiều, vé được mở bán và áp dụng cho hành trình khởi hành trước ngày 31/8/2017.

Đối với các chuyến bay quốc tế, VNA công bố giá vé ưu đãi từ 100 – 300 USD/lượt đối với một số nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… và 400 – 600 USD/lượt đối với một số nước châu Âu để kích cầu đi lại vào dịp hè.

Trong khi đó, Spring Airlines lại vừa mở đường bay thẳng Tp.HCM – Thượng Hải với nhiều triệu vé ưu đãi. Các chuyến bay Thượng Hải – Tp.HCM được thực hiện vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, Bảy hằng tuần bằng máy bay Airbus A320 với giá vé thấp nhất chỉ từ 127 USD. Ước tính, Spring Airlines sẽ dành 30 – 40% lượng vé có giá 127 USD trong mùa thấp điểm, khoảng 10% mùa cao điểm.

Cuộc đua giá vé của các hãng hàng không như Jetstar Pacific, Vietjet Air hay VNA với mức giá từ 0 đồng đến vài trăm nghìn đồng một lượt cho một chặng bay (chưa kể phí, thuế) trong thời gian gần đây đang thu hút sự quan tâm rất lớn của khách hàng.

Thực tế, cuộc chạy đua vé giá rẻ đã diễn ra sát sao ngay sau kỳ cao điểm Tết Nguyên đán 2017. Mở đầu là Vietjet khi tung ra 500.000 vé siêu rẻ giá từ 5.000 đồng trong ba ngày 08, 09, 10/2/2017 áp dụng trên các đường bay nội địa xuất phát từ Tp.HCM đến Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội, Hải Phòng, Huế… Chương trình tiếp tục từ ngày 1/3/2017 đến ngày 31/12/2017 trừ các ngày lễ, Tết.

Đúng một ngày sau, Jetstar Pacific công bố mở đường bay mới giữa Hà Nội – Buôn Ma Thuột với giá vé từ 290.000 đồng/chặng. Theo đó, riêng trong ba ngày từ 6 – 8/2, giá vé cho đường bay này chỉ 38.000 đồng/chặng, áp dụng cho các giai đoạn 13/3 – 4/4, 11/4 – 23/4 và 8/5 – 24/5 năm2017.

Hiện nay, vé giá rẻ không chỉ là cuộc đua của các hãng hàng không mà còn là cuộc đua của khách hàng. Theo khách hàng, “săn” vé giá rẻ cũng khá kỳ công vì để có được những tấm vé giá rẻ, khách hàng phải “nằm vùng”, canh từng phút để “săn” vé trên website của các hãng hàng không.

Cuộc đua giá vé của các hãng hàng không tuy đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng nhưng cũng tồn tại những mặt trái. Trong đó, sự cố về chậm, hoãn chuyến, hủy chuyến… là nỗi ám ảnh của nhiều hành khách.

Khách hàng đi “săn”

Chị Thanh Mai (Gia Lâm, Hà Nội) – một chuyên gia “săn” vé giá rẻ, cho biết: “Là một người đam mê du lịch, tôi thường đầu tư nhiều thời gian để săn vé 0 đồng. Vừa để đáp ứng nhu cầu, vừa để kiếm thêm “đồng mắm đồng muối”.

Các hãng thường có chu kỳ khuyến mãi trong năm. AirAsia thường có đợt khuyến mãi 3 tháng/lần vào các tháng 2, 5, 8, 11 trong năm, hoặc khuyến mãi theo chu kì cứ 10 – 14 ngày/đợt. Hãng Jetstar Paciffic cứ thứ Sáu hàng tuần, từ 14h – 17h có những chương trình giảm giá siêu rẻ…”.

Với các khách hàng biết tiếng Anh, việc săn vé của các hãng AirAsia (Maylaysia), Cebu Pacific (Philippin),_ Qatar Airway (Quatar), Tiger Airway (Singapore)… đã trở thành chuyện “cơm bữa”.

Chị Nguyễn Phúc An Giang (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “AirAsia (của Malaysia) với 85 điểm đến ở khắp châu Á liên tục có các chương trình khuyến mãi nên thường có thể mua vé rẻ quanh năm. Cebu Pacific có những chương trình vé 1 peso (khoảng 500 đồng). Qatar Airway cũng thường có những đường bay với giá 29 USD/chiều (trước thuế) cho các chặng bay ngắn trong khu vực Đông Nam Á. Đi cùng với một chất lượng dịch vụ 5 sao thì đó là cái giá khá hời cho khách hàng”.

Cuộc đua giá vé của các hãng hàng không tuy đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng nhưng cũng tồn tại những mặt trái. Trong đó, sự cố về chậm, hoãn chuyến, hủy chuyến… là nỗi ám ảnh của nhiều hành khách.

Mua vé giá rẻ cũng có nghĩa là không thay đổi được tên hành khách, giờ bay, hành lý… và chi phí để thay đổi những điều kiện trên cũng khá cao. Đặc thù phải đặt vé trước khá lâu so với ngày bay gây bất tiện cho những người chưa có lịch trình chính xác. Trong trường hợp đột xuất cần thay đổi lịch trình, vé giá rẻ không được hoàn lại, dẫn tới nguy cơ rẻ lại hóa đắt.

Bên cạnh đó, để giảm chi phí, các hãng hàng không_giá rẻ_thường thuê địa điểm ở các sân bay nhỏ hoặc khu vực xa trong sân bay, điều này cũng là một chi tiết mà người mua phải lưu ý đối với những sân bay rộng, tính toán thời gian để xuất phát sớm, kịp ra chuyến bay.

Văn Nguyễn