Nở rộ hoạt động đầu tư tài chính

ĐTTC | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 29 Tháng Chín 2009 16:03:00

Bên cạnh việc đầu tư góp vốn mua cổ phần lẫn nhau, hiện nay nhiều NHTM đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh tài chính.

Tận dụng lợi thế CTCK

 

Cuối tuần qua Công ty Chứng khoán (CTCK) Đại Việt đã tổ chức phiên họp đầu tiên của HĐQT mới sau khi chính thức có sự góp vốn của NHTMCP Đại Tín (Trustbank) và các nhóm cổ đông liên quan của Trustbank. Theo đó, nhóm cổ đông liên quan Trustbank chiếm 44% cổ phần Đại Việt (trong đó Trustbank mua 11%).

 

Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT Trustbank, cho biết: CTCK Đại Việt đang trong giai đoạn củng cố ban điều hành, tăng cường HĐQT từ 5 thành viên lên 9 thành viên và hình thành thêm hội đồng tín dụng, đầu tư, công nghệ.

 

Năm tới, sau khi củng cố, Đại Việt sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ. Mạng lưới của Trustbank sẽ trở thành chi nhánh và điểm nhận lệnh của CTCK Đại Việt. Trustbank cũng giới thiệu khách hàng của mình qua Đại Việt và chuyển những ưu đãi trước đây mà Trustbank dành cho các CTCK khác về Đại Việt.

 

Theo một chuyên gia NH, năm 2008 các CTCK thua lỗ lớn từ hoạt động tự doanh phải trích lập dự phòng rủi ro gần như hết vốn điều lệ. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay khi thị trường hồi phục, các CTCK đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu phát triển. Do vậy, đây là cơ hội tốt cho NH chọn lựa CTCK phát triển lĩnh vực CK thay vì phải xin phép thành lập CTCK mới

 

Trước mắt, khi mua lại các CTCK đã có cơ sở khách hàng. NH có lợi từ huy động nguồn vốn rẻ trong việc quản lý tài khoản của nhà đầu tư CK và có thể liên kết cho vay kinh doanh CK. ứng tiền ngày T...

 

Thành lập công ty

 

ACB đang ráo riết chuẩn bị cho kế hoạch thành lập công ty tài chính trực thuộc Tập đoàn ACB với kế hoạch đào tạo nhân sự, đội ngũ bán hàng... Lãnh đạo ACB lạc quan nhận định hoạt động cho vay tài chính, cho vay tiêu dùng sẽ đem lại lợi nhuận rất lớn cho ACB trong tương lai. Việc thành lập công ty tài chính giúp ACB phát triển được lĩnh vực bán lẻ, đáp ứng nguồn vốn cho vay nhỏ lẻ với việc quản lý rủi ro hiệu quả và chuyên biệt hơn.

 

DongABank cũng đang khẩn trương thành lập công ty tài chính, nhưng khác với ACB, DongABank có kế hoạch trên doanh với một công ty tài chính nước ngoài để thành lập. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank nhận xét: Nếu chỉ đơn thuần cho vay thế chấp mua nhà, cho vay tiêu dùng, công ty tài chính Việt Nam không đủ kinh nghiệm để cạnh tranh với các công ty tài chính nước ngoài. Có thể thấy sự thua kém đó qua những đợt khuyến khích vay trả góp với lãi suất bằng 0% của các công ty tài chính nước ngoài.

 

Thực tế, không phải do công ty tài chính hỗ trợ khách hàng mà chính nhà sản xuất phải trả khoản lãi vay này. Các công ty tài chính phải ký được hợp đồng với các nhà sản xuất lớn là các tập đoàn đa quốc gia như SamSung, Honda... về việc cam kết tiêu thụ hàng hóa của nhà sản xuất, chiết khấu % và xây dựng các chương trình cho các nước khác nhau.

 

Thế nhưng hiện nay các công ty tài chính Việt Nam chưa có đủ uy tín và điều kiện để có thể làm điều này. Do vậy, việc liên doanh góp vốn với các công ty tài chính nước ngoài sẽ có lợi thế hơn một mình thành lập công ty tài chính

 

Sacombank dự kiến từ nay đến năm 2010 sẽ thành lập công ty tài chính và công ty thẻ. Ngoài mua CTCK Đại Việt Trustbank đang xúc tiến một loạt kế hoạch tham gia vốn vào một công ty bảo hiểm, hợp tác với Hội đồng Vàng thế giới kinh doanh vàng tổng hợp theo thông tư mới của NHNN, đồng thời kết hợp với một số tập đoàn nước ngoài tư vấn môi giới đầu tư bất động sản.

 

Việc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực tài chính có liên quan đến hoạt động của NH là định hướng của nhiều NHTM trong vài năm tới, đặc biệt đối với các NHTM có tham vọng phát triển thành tập đoàn tài chính đa ngành. Nhiều chuyên gia nhận định đây là xu thế phát triển tất yếu của hệ thống NHTM, nhất là khi hoạt động kinh doanh truyền thống của các NHTM ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận hẹp dần.

 

Mai Thảo