Kinh doanh ẩm thực theo xu hướng được nhiều người lựa chọn bởi doanh số tốt và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, bài học của những lần kinh doanh theo xu hướng thua lỗ là không bao giờ cũ với những ai muốn làm ẩm thực.
Kinh doanh ẩm thực là sự yêu thích của nhiều người. Kênh đầu tư ẩm thực thường được nhiều người chọn bởi dễ làm, vốn đầu tư không quá lớn, thu hồi lại nhanh. Các xu hướng ẩm thực thường đẩy nhu cầu lên cao khiến chủ hàng có thể gặt hái được lợi nhuận và doanh thu lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, kinh doanh theo ẩm thực cũng tiềm ẩn những rủi ro rất lớn khi xu hướng thoái trào. Bài học của những xu hướng luôn đáng giá với bất kỳ những ai muốn “xuống tiền” đầu tư.
Mất tiền tỷ vì đầu tư làm mì cay 7 cấp độ
Những ông chủ kinh doanh mì cay tại Hà Nội đang trong thời kỳ khó khăn nhất từ khi món ăn này du nhập vào Hà Nội. Chỉ chưa đầy một năm sau khi xuất hiện món ăn mới, mì cay đã rơi vào cảnh ế ẩm tại Hà Nội.
Anh Hoàng, một chủ quán mì cay tại Cầu Giấy, cho biết món ăn này đã bước qua thời kỳ đỉnh cao về doanh số từ khoảng dịp Tết Nguyên đán. Anh Hoàng kể lại mì cay bắt đầu gia nhập thị trường Hà Nội kể từ tháng 7/2016. Sau đó, món ăn ngay lập tức gây sốt toàn thị trường. Giới trẻ rỉ tai nhau bàn luận và thử trải nghiệm món ăn này một cách nhanh chóng và đông đảo.
Các quan mì cay cứ khai trương là đông khách. Do vậy, nhiều người thấy nhu cầu cao liền đem tiền tỷ mở quán để “hớt váng” thị trường.
Tuy nhiên, chỉ đến khoảng dịp giáp Tết Nguyên đán, mì cay nhanh chóng thoái trào và trở nên “xa lạ” với nhiều người. Các hàng quán mì cay rơi vào cảnh ế ẩm. Những hàng nào có tên tuổi, mở lâu nhất thì giảm ít, còn những hàng mới mở thì doanh thu lao đốc, khách vắng “như chùa ba đanh”.
Theo chị Loan, chủ một tiệm mì cay 7 cấp độ tại Thanh Xuân, lợi nhuận trước kia vào khoảng 30-40% trên tổng doanh thu thì hiện tại chỉ còn khoảng 10-13%. Lợi nhuận như vậy là quá thấp để mong bù đắp lại chi phí mở ra ban đầu lên tới hàng tỷ đồng.
Vì vậy, rất nhiều cửa hàng dù mới mở nhưng phải đóng cửa “tức tưởi” chỉ sau vài tháng khai trương. Chớ trêu thay, có cửa hàng trả trước tiền nhà hàng đến nửa năm, chưa hết thời hạn đã phải đóng cửa.
Cà phê take away thoái trào nhanh chóng
Trở thành xu hướng thời thượng của giới trẻ vào khoảng những năm 2014-2015, cà phê take away đã hút khách khá nhanh chóng. Bởi việc uống cà phê tại các quan cà phê truyền thống đã không hấp dẫn giới trẻ. Mô hình đưa quán cà phê trở nên thân thiện với không gian trẻ trung, gần gũi, sang chảnh được nhiều người thực hiện.
Đồ uống cũng được “làm mềm” đi để giới trẻ có thể uống dễ dàng hơn. Các các cà phê sữa đá của phương tây được du nhập thêm, cùng với các loại trà ngay lập tức hấp dẫn giới trẻ.
Nhu cầu cà phê take away tăng nhanh, nhiều người cũng đổ tiền đầu tư một cách nhanh chóng. Mô hình gần gũi các trục đường giao thông, vị trí đẹp, không gian trẻ trung, hệ thống giao hàng thuận tiện ngay lập tức như “làn sóng” được nhiều người học theo.
Có những thương hiệu mở rộng cùng một lúc nhiều cửa hàng tại các khu vực khác nhau, nơi có đông nhân viên văn phòng và sinh viên được nhắm đến.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu không hề nhỏ với những “ông chủ” đầu tư theo xu hướng. Để có được vị trí đẹp, cửa hàng phải bỏ ra một khoảng lớn. Ngoài ra còn chi phí trang trí, mua sắm trang thiết bị, trả tiền công nhân viên…
Dù vậy, xu hướng uống cà phê take away cũng nhanh chóng thoái trào. Sự đóng cửa tại một số cửa hàng ở các con phố lớn không khiến nhiều người bất ngờ. Anh Bình, quản lý một cửa hàng cà phê take away ở Lạc Trung chia sẻ nhu cầu đi xuống khiến việc vận hành chuỗi “khó” hơn bao giờ hết.
Việc phải trả đủ các loại phí, trong khi cửa hàng phải cạnh tranh với nhiều chuỗi khác về giá, dịch vụ, khuyến mại, tiện ích… Cuộc cạnh tranh khiến nhiều người “đuối” dần và nhanh chóng đóng cửa, cắt lỗ.
Mì bay nối tiếp “cay đắng” của mì cay
Mì bay là câu chuyện tương tự như mì cay 7 cấp độ. Món ăn được du nhập từ miền nam ra ngay lập tức gây sốt trên các trang mạng xã hội. Nhu cầu tăng cao khiến nhiều người cũng mở hàng mì bay.
Theo anh Nam, quản lý một hàng ăn vặt cho giới trẻ ở Đống Đa, chia sẻ việc mở hàng mì bay không quá rầm rộ như bì cay 7 cấp độ do “bài học quá lớn”. Mì bay chủ yếu mở ở một số cửa hàng ăn vặt như một món ăn bán theo phong trào.
Tuy nhiên, để làm mì bay, chủ hàng cũng phải bỏ ra một lượng vốn nhất định nhập nguyên liệu, trang thiết bị. Rất ít có cửa hàng nào chuyên mì bay nên chi phí có thể được chia sẻ cùng các món ăn khác.
Vì vậy, khi trào lưu mì bay thoái trào, các công chủ mì bay nhanh chóng chuyển sang món ăn khác không gây nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh mì bay thừa nhận xu hướng mì bay qua đi quá nhanh. Thậm chí món mì bay chỉ hấp dẫn một số người tò mò. Người Hà Nội vốn sành ăn, nếu món ăn không ngon thì nhanh chóng “bị lãng quên”.
Đồ ăn vặt cũng thoái trào chốc lát
Ngoài những trào lưu ẩm thực cần nhu cầu đầu tư lớn, thị trường cũng chứng kiến hàng chục xu hướng ẩm thực nở rộ hàng năm. Các xu hướng ẩm thực chủ yếu là các món ăn vặt phục vụ giới trẻ.
Các xu hướng có thể kể đến như: Trà chanh chém gió, bánh mì chảo, bánh mì Hội An, bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, xoài lắc, khoai lang lắc, kem khói, cơm cháy chà bông, chè khúc bạch….
Việc đầu tư kinh doanh các món ăn vặt đường phố tốn không quá nhiều chi phí ban đầu nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu chủ quán không chú ý. Tuy nhiên, với những người có thu nhập thấp, số vốn bỏ ra hàng chục triệu có thể “dễ dàng” mất trắng.
Một số chủ cửa hàng tại Hà Nội vẫn truyền tại nhau nhiều hàng ăn phải bán thanh lý xoong nồi, bàn ghế để “cứu lại” những phần vốn đã bỏ ra. Vì vậy, việc đầu tư kinh doanh theo xu hướng cần hết sức chủ ý và có sự nghiên cứu kỹ.
Dương Nguyễn