Đường sắt lạc hậu vì độc quyền quá lâu

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 30 Tháng Năm 2017 15:07:00

Thảo luận về những giải pháp để phát triển ngành đường sắt, hầu hết ý kiến ĐBQH đều cho rằng cần nhiều giải pháp để xã hội hóa, kêu gọi nguồn đầu tư của doanh nghiệp để phát triển ngành đường sắt.

Đại biểu Võ Đình Tín – đoàn Đăk Nông cho rằng, chúng ta đang sử dụng đường sắt khổ nhỏ nên tốc độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành đường sắt. Do đó, sau khi Luật Đường sắt được ban hành, cần có chính sách xã hội hóa mạnh nhằm kêu gọi nguồn lực của nhà đầu tư vào hệ thống hạ tầng đường sắt, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư, ưu tiên rõ ràng cho các doanh nghiệp đầu tư vào đường sắt khổ lớn. Đặc biệt, sớm có chính sách cho phát triển đường sắt khu vực Tây Nguyên vì đây là địa bàn còn nhiều khó khăn, cần thiết có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Đại biểu Trần Văn Lâm – đoàn Bắc Giang thẳng thắn, những năm gần đây, ngành đường sắt không những không vươn lên, phát triển mà còn ngày càng lạc hậu, thiết bị ngày càng xuống cấp do nguyên nhân là sự độc quyền kéo dài của DN Nhà nước.

Khoản 4 - Điều 4 Dự thảo Luật nêu rõ: “Tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của DN giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư”. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, điều này dễ dẫn đến lo ngại rằng DN Nhà nước vẫn có thể vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, vừa kinh doanh vận tải và những DN tư nhân khác khác không thể cạnh tranh được. Do đó, ông Lâm đề nghị giữ lại những quy định của dự thảo cũ là DN Nhà nước được giao kinh doanh kết cấu hạ tầng không tham gia vào kinh doanh vận tải để tạo điều kiện kinh doanh bình đẳng giữa các DN, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt quan tâm đến những ưu đãi dành cho nhà đầu tư, đại biểu Lê Minh Chuẩn – đoàn Quảng Ninh cho hay, Khoản 4, Điều 5 về chính sách phát triển đường sắt quy định: “Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại”. Tuy nhiên, Điều 6 về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt lại chưa nhắc đến ưu đãi cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư khoa học công nghệ để phát triển ngành đường sắt. Do đó, ông Chuẩn đề nghị bổ sung ưu đãi này.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng không quy định những ưu đãi trong đầu tư cho đường sắt chuyên dùng. Theo ông Chuẩn, nên bổ sung các điều khoản khuyến khích các tổ chứcc, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng không kết nối hệ thống đường sắt quốc gia.

Nguyễn Việt