Có mặt từ đầu những năm 2000, đến nay, các đại gia thức ăn nhanh (fast food) đua nhau mở rộng thị phần tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian “làm mưa làm gió” đến nay nhiều "đại gia" đang dần “âm thầm đóng cửa” vì doanh thu không thể bù nổi cho chi phí.
Nhiều "đại gia" tranh hùng xưng bá
Khoảng 10 năm trở lại đây, không khó để tìm một cửa hàng thức ăn nhanh với nội thất hiện đại, cửa kính điều hòa mát lạnh. Nhiều cái tên như KFC, Jollibee, Lotteria, McDonald’s… có đến hàng chục cửa hàng khác nhau đặt tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh.
Mật độ của các cửa hàng kinh doanh ăn nhanh ngày càng nhiều, không chỉ ở ở trung tâm thương mại, thành phố lớn mà còn chuyển sang tỉnh lẻ. Việc cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt khi thị trường hội tụ gần như đầy đủ các "đại gia".
Các công ty kinh doanh fast food đã tích cực nhượng quyền để mở cửa hàng ở những vị trí đẹp. Tính đến nay, Lotteria và KFC đang sở hữu số lượng cửa hàng kinh doanh fast food lớn nhất tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng của thị trường Việt Nam là rất lớn. Mức thu nhập và thu nhập khả dụng ở Việt Nam đang tăng nhanh. Các chuỗi ăn nhanh sẽ hướng tới tầng lớp người Việt Nam trung lưu, có thu nhập hộ gia đình trong khoảng từ 500 - 1.000 USD mỗi tháng, và họ sẽ thành công.
Theo số liệu thống kê của Vụ thị trường trong nước, từ năm 2010 đến nay, đã có gần 150 thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam hoạt động. Trong đó, lĩnh vực nhà hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất với 43,7%, với rất nhiều các cửa hàng thức ăn nhanh, cà phê, nhà hàng, lẩu nướng,…
Có mặt tại Việt Nam khá sớm từ năm 1998, Lotteria hiện là chuỗi dẫn đầu ngành công nghiệp fastfood trong nước với 211 nhà hàng tại hơn 30 tỉnh/thành. Cùng với nhiều doanh nghiệp khác trong tập đoàn mẹ Lotte đang hiện diện ở Việt Nam, thương hiệu này đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
Theo chia sẻ từ một nhân viên marketing của Lotteria với Cafebiz, tính đến cuối năm 2015, số nhà hàng của Lotteria là 207. Cho đến cuối năm 2012, chuỗi này mới chỉ có 140 cửa hàng.
Như vậy, trong vòng 3 năm 2013-2015, chuỗi Lotteria tăng trưởng gấp rưỡi, mở thêm gần 70 cửa hàng. Tức là bình quân có hơn 20 cửa hàng Lotteria được mở mới mỗi năm, một con số quá hấp dẫn với các nhà đầu tư ở thời điểm đó.
Đối thủ của Lotteria là KFC , thương hiệu nổi tiếng thế giới nhờ món gà rán. KFC mở cửa hàng đầu tiên Việt Nam cuối năm 1997 tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn Super Bowl.
KFC đã gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam, khi người tiêu dùng còn xa lạ với khái niệm “thức ăn nhanh”.
Do đó, KFC liên tục chịu lỗ trong suốt 7 năm liền kể từ khi có cửa hàng đầu tiên. Số lượng cửa hàng của KFC tăng trưởng rất chậm và sau 7 năm chỉ có 17 cửa hàng. Sau đó, KFC đã điều chỉnh chiến lược và đến năm 2011, số của hàng của FKC tại Việt Nam tăng lên 100.
Giai đoạn sôi động của fastfood 2012-2015, KFC mở mới được khoảng hơn 40 nhà hàng. Hiện KFC Việt Nam đã có hơn 140 nhà hàng và có mặt tại 18 tỉnh/thành phố của cả nước. Tức là bình quân mỗi năm KFC có thêm 10 nhà hàng mới.
Một thương hiệu khác cũng đang phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam: Jollibee của Philippines. Cửa hàng Jollibee đầu tiên được mở tại Việt Nam vào năm 1996. Đến cuối năm 2012, số cửa hàng của Jollibee là 25. Giai đoạn 2012-2015, chuỗi này tăng tốc khá tốt khi tăng thêm gần 50 cửa hàng mới, đạt 73 cửa hàng vào cuối năm 2015, không tệ so với Lotteria và thậm chí còn tăng nhanh hơn KFC trong giai đoạn đó.
Bà Trần Thị Lan Anh – Phó Chủ tịch Jollibee Foods kiêm TGĐ Jollibee Việt Nam, từng chia sẻ với báo giới: “Theo kế hoạch, mỗi năm Jollibee sẽ tự mở thêm khoảng 20 cửa hàng."
"Ăn nhanh" không hề dễ
Hiện nay, kinh doanh thức ăn nhanh tại Việt Nam đang gặp khó vì khách hàng thích chạy theo thị hiếu. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà hàng Hàn, Nhật… gây áp lực không nhỏ lên các cửa hàng thức ăn nhanh. Bên cạnh đó, sản phẩm của các chuỗi Fastfood cũng chưa thật sự phù hợp với thói quen ẩm thực của người Việt với cơm là món chủ đạo. Doanh thu giảm mạnh, chi phí mặt bằng cao, tình hình kinh doanh thua lỗ buộc các chuỗi cửa hàng đành phải ngậm ngùi đóng cửa.
Vào Việt Nam năm 2012, Burger King từng tham vọng đầu tư 40 triệu USD để phát triển chuỗi cửa hàng mang thương hiệu này ở các vị trí đắc địa và trải rộng khắp các tỉnh, thành, qua đó muốn người tiêu dùng dễ nhận diện và tiếp cận.
Giữa tháng 2/2016, cửa hàng Burger King tại số 1B-1B1 đường Cộng Hòa (Tân Bình, TP.HCM) thông báo đóng cửa. Một tháng trước đó, cửa hàng Burger King tại ngã tư đường Điện Biên Phủ - Cao Thắng, quận 3 (TP.HCM) cũng bị tháo dỡ để trả lại mặt bằng.
Năm 2015, 2 cửa hàng Burger King ở số 26-28 đường Phạm Hồng Thái (TPHCM) và 125 phố Lò Đúc (Hà Nội) phải ngừng hoạt động. Giữa năm 2014, cửa hàng Burger King tại Đà Nẵng cùng chung số phận.
Sau hiện tượng hàng dài người xếp hàng trong tuần đầu tiên khai trương, giờ đây McDonald's cùng lúc đang phải đối đầu với khó khăn cả trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, người đưa McDonald’s tới Việt Nam, từng kỳ vọng McDonald’s sẽ đến lúc có hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn nhân viên ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau hiện tượng hàng dài người xếp hàng trong tuần đầu tiên khai trương, giờ đây McDonald's cùng lúc đang phải đối đầu với khó khăn cả trong và ngoài nước. Thương hiệu fastfood lừng danh đến từ Mỹ từng đặt mục tiêu 100 nhà hàng sau 10 năm vào Việt Nam, song họ mới chỉ có vài địa điểm ở TP.HCM và chưa thể bước chân ra Hà Nội.
Còn theo ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald's Việt Nam cho rằng: McDonald's Việt Nam cũng như của những sản phẩm tương đồng (gà chiên, hamburger, đồ ăn nhanh khác tương tự McDonald’s...) tại thị trường Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức. Vì vậy, “Để xây dựng một thương hiệu tại thị trường mới cũng cần nhiều thời gian”.
Vậy nên, McDonald’s đang phải tiến hành các chương trình nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, tuyên truyền để họ hiểu hơn về các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ của McDonald’s.
Cũng như McDonald’s, nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh của thế giới khác đang “chực chờ” để nhảy vào Việt Nam thông qua nhượng quyền thương hiệu. Các chuyên gia dự báo, việc phát triển và nhân rộng mô hình đồ ăn nhanh tại Việt Nam sẽ còn tăng mạnh. Và để tránh “cú ngã ngựa” như Burger King, đòi hỏi các thương hiệu phải nghiên cứu kỹ hơn để hiểu được “gu” tiêu dùng của người trẻ, đó là dễ thay đổi khẩu vị, thích đón nhận điều mới lạ. Tuy nhiên, họ cũng cần hiểu rằng, đi kèm với những cơ hội luôn là thách thức...
Tuy nhiên, cũng vì là thị trường “mới nổi” các thương hiệu thức ăn nhanh thế giới vào một thị trường mới như Việt Nam sẽ phải có cách tiếp cận phù hợp mới mong gặt hái được thành công. Còn nếu “lỡ chệch đường ray”, cả những ông lớn cũng phải thua cuộc.
Nha Trang