Hàng không cất cánh cùng du lịch

BHQ | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 13 Tháng Tư 2017 10:13:00

Các hãng hàng không được dự báo sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.

Lượng du khách tăng nhanh

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành hàng không Việt Nam hiện đang có tốc độ phát triển hành khách nhanh nhất trong khu vực. Sự tích cực này sẽ còn tiếp tục duy trì trong năm 2017 nhờ lượng hành khách nội địa tiếp tục tăng trưởng mạnh do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu kéo theo nhu cầu du lịch và đi lại bằng đường hàng không. Số lượt vận chuyển đã tăng từ 12 triệu lượt năm 2012 lên hơn 30 triệu lượt năm 2016 và có thể đạt 38 triệu lượt trong năm 2017. Nhờ sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ, người dân có nhiều sự lựa chọn tiện lợi hơn so với các phương tiện khác như xe khách, tàu hỏa mà vẫn tiết kiệm hơn so với sử dụng các hãng hàng không truyền thống.

Cùng với đó, vận chuyển hành khách quốc tế cũng hưởng lợi từ các nỗ lực thu hút du khách nước ngoài. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016 (tăng 26% so với năm 2015), 8,26 triệu người trong số đó đến bằng đường hàng không, tăng 32% so với năm 2015. Trong số đó, dẫn đầu là lượng khách đến rừ các nước Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục, đặc biệt là khi các hoạt động hợp tác du lịch Việt - Trung đang được xúc tiến khá mạnh trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, các chính sách miễn visa cho một số nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha), hay áp dụng thị thực điện tử cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong mục tiêu thu hút 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2017. Khoảng 80% số đó sẽ sử dụng vận chuyển hàng không, tương đương 9,2 triệu lượt khách tiềm năng cho các hãng hàng không khai thác. Ngoài ra, kinh tế và giao thương tiếp tục phát triển cũng sẽ là động lực cho sự tăng trưởng của dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Công ty chứng khoán BSC, thời gian tới ngành hàng không trong nước cũng sẽ nhận được những lợi ích lớn hơn từ Hiệp định mở cửa bầu trời khu vực Đông Nam Á (Asean Single Aviation market- ASAM). Mở cửa bầu trời được xác định là một phần quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước ASEAN, bởi việc liên kết giao thông, nhất là hàng không, sẽ tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy du lịch, đồng thời giúp ngành hàng không trong khu vực cạnh tranh hơn. Mặc dù Hiệp định đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 nhưng chưa tạo ra nhiều biến động do hầu hết những quyền lợi thương mại quan trọng liên quan tới việc khai thác thị trường nội địa vẫn tiếp tục được các nước bảo hộ.

Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, trong đó có rủi ro về tỷ giá. Do đặc thù ngành thâm dụng vốn đầu tư, rất nhiều công ty có khoản vay bằng đồng ngoại tệ (USD, JPY), nên biến động tỷ giá là một trong những vấn đề đáng lo ngại. Cùng với đó là rủi ro từ việc giá nhiên liệu tăng. Cụ thể, giá nhiên liệu chiếm khoảng 35-40% chi phí hoạt động của các hãng hàng không. Trong khi giá dầu được dự đoán tăng trở lại trong năm 2017 sau khi đã tụt xuống mức thấp nhất trong năm 2015 và 2016. Dù các công cụ phòng ngừa rủi ro có thể trợ giúp phần nào, điều này vẫn sẽ tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các DN, đặc biệt sẽ giảm lợi thế của hãng hàng không giá rẻ.

Hàng không cất cánh

Công ty CP Hàng không VietJet là hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất và là hãng hàng không lớn thứ hai tính theo thị phần tại Việt Nam. Tại thời điểm cuối năm 2016, VietJet đang sở hữu đội bay với 41 tàu bay. Công ty hiện đang khai thác 37 đường bay nội địa và 23 đường bay quốc tế, tỷ lệ lấp đầy đạt 88%. Theo đánh giá của VDSC, nhờ áp dụng thành công mô hình hàng không giá rẻ, sử dụng nguồn vốn hiệu quả để mở rộng đội bay và quảng bá thương hiệu bài bản đã giúp công ty khai phá thị trường nội địa tiềm năng mà những người anh em đi trước không làm được. Theo đó, thị phần nội địa của VJC đã tăng từ 8% năm 2012 lên 42% năm 2016 và có khả năng đạt 45% vào năm 2017.

Tuy nhiên, hiện VietJet mới chỉ phục vụ các đường bay đến Hàn Quốc, Trung Quốc, trong khi những tuyến Nhật Bản, Ấn Độ, Nga vẫn chưa được khai thác. Trong khi đó, lượng khách đến từ các nước này vẫn đang tăng trưởng tốt và hứa hẹn tiếp tục là nguồn khách tiềm năng trong những năm tới. Theo kế hoạch đến năm 2018, VietJet sẽ nâng số đường bay quốc tế từ 23 lên 36, bên cạnh 19 đường bay riêng (chủ yếu để phục vụ nhu cầu ngày một tăng của du khách Trung Quốc).

Hiện các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực đều đang có kế hoạch mở rộng đội bay vô cùng tham vọng khi mà Đông Nam Á được nhận định là một trong những thị trường hàng không sôi động bậc nhất trong thời gian tới. Theo VDSC, điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với VietJet. Hiện tại, ở phân khúc quốc tế (tính trên các chuyến bay đi và đến Việt Nam), hàng không ngoại vẫn đang chiếm thị phần lớn hơn so với các hãng nội địa (57,6%). Tuy nhiên, về cơ bản đây vẫn là cuộc chiến về giá vé và mạng đường bay. Hiện giá vé của VietJet đang ở mức thấp hơn so với các hãng khác, đủ hợp lý để hãng cạnh tranh với các đối thủ khi bổ sung thêm các đường bay mới. Theo dự báo của VDSC, năm 2017 hãng sẽ vận chuyển khoảng 19,5 triệu lượt hành khách, trong đó khách nội địa là hơn 17 triệu lượt. Do đó, dự báo VietJet sẽ đạt 38.966 tỷ đồng doanh thu trong năm 2017, tăng 41% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế dự báo sẽ đạt 3.116 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện đang quản lý và vận hành 2 hãng hàng không là hãng hàng không truyền thống – tổng công ty mẹ Vietnam Airlines và công ty con Jetstar Pacific hoạt động tập trung trong phân khúc hàng không giá rẻ. Tháng 7/2016, Vietnam Airlines đã chính thức được công nhận là hãng hàng không 4 sao. Đây là dấu mốc quan trọng, nâng cao thương hiệu và vị thế cạnh tranh của Vietnam Airlines với các hãng hàng không quốc tế. Tại thị trường Đông Nam Á, Vietnam Airlines là hãng hàng không thứ 4 có được xếp hạng này. Với chứng nhận 4 sao, Vietnam Airlines tập trung chú trọng vào khách hàng trung và cao cấp, và chú trọng hơn vào các tuyến đường bay quốc tế đường dài. Định hướng đi theo chất lượng thay vì thị phần sẽ là định hướng của Tổng công ty trong thời gian tới. Với chiến lược này, tăng trưởng về doanh số và sản lượng hành khách có thể chậm hơn so với mặt bằng chung trong nước và khu vực. Song các chuyên gia của BSC kỳ vọng sự cải thiện trong tính hiệu quả hoạt động, các chỉ số hoạt động và sự ổn định của Vietnam Airlines trong dài hạn. Theo tính toán của BSC, trong năm 2017, doanh thu của Vietnam Airlines đạt 81.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.887 tỷ đồng.  

Nguyễn Hiền