Theo kịch bản điều hành giá điện năm 2017, sắp tới, giá điện có thể trải qua đợt điều chỉnh tăng kể từ sau lần tăng 7,5% vào tháng 3/2015. Tuy nhiên, áp lực về giá và nguồn than nhập khẩu để sản xuất điện đang khiến các nhà cung cấp điện thực sự đau đầu bởi giá điện phụ thuộc vào giá bán than cho điện.
Hiện nay, giá than được cho là đang ảnh hưởng nhiều đến giá điện bởi nhiệt điện than đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cơ cấu sản lượng điện mua từ các nhà máy điện quý IV/2016 bao gồm thủy điện 25,94%, nhiệt điện than 40,04%, nhiệt điện khí 30,7%…
Điện than tăng dần
Số liệu từ Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, trong giai đoạn 2011 – 2020, có 36 dự án nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 31.920MW phải hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thương mại.
Trong đó, chủ đầu tư là EVN với 10 dự án có tổng công suất 9.100MW; chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 5 dự án có tổng công suất 6.000MW; chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) với bốn dự án có tổng công suất 870MW.
Gs.Ts. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho rằng giá thành sản xuất điện than (7 cent Mỹ/kWh) chỉ thấp hơn thủy điện, nên khi đã khai thác hết nguồn thủy năng, các nước đều chuyển sang phát triển nhiệt điện than và Việt Nam cũng tương tự như vậy.
Nếu nhìn vào Quy hoạch điện VII (QHĐVII) sẽ thấy, khi thực hiện kịch bản cơ sở về nhu cầu điện, đến năm 2020 công suất của các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than là 36.000MW, chiếm 48,8% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, sản lượng điện là 154.440 tỷ kWh (46,8%). Đến năm 2030, công suất của các NMNĐ than có thể tăng tới 75.748,8MW (51,6%) và sản lượng điện là 391.980 tỷ kWh (56,4%).
Có thể đưa ra những lý do sau để thấy vì sao QHĐVII đã tăng dần tỷ lệ phát triển loại nguồn nhiệt điện than: Khai thác tiềm năng kinh tế nguồn thủy điện ở Việt Nam đến nay đã tới giới hạn, sau năm 2017 sẽ không còn các dự án nhà máy thủy điện được xây mới, ngoại trừ một số dự án nhà máy thủy điện Việt Nam triển khai tại Lào và Campuchia theo hình thức đầu tư BOT.
Từ năm 2019, Việt Nam sẽ phát triển 4 dự án nhà máy thủy điện tích năng để đến năm 2030 đạt 5.700MW, bù đắp cho công suất thiếu hụt và tham gia phủ đỉnh khi hệ thống điện quốc gia đã có các NMNĐ than vận hành đáy biểu đồ phụ tải.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết tại Việt Nam, nguồn năng lượng được sản xuất từ nhiệt điện than tăng trưởng rất cao, tăng cao nhất trong nhóm các loại nguồn truyền thống, khoảng 21,6%/năm.
Gs.Ts. Trương Duy Nghĩa cũng thừa nhận rằng NMNĐ than có không ít nhược điểm như chi dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất điện). Mặt khác, NMNĐ than là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, nhất là những chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém.
Được biết, để đảm bảo bù đắp giá thành, phù hợp với thị trường tiêu thụ than và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TKV đã ban hành Quyết định số 3005/QĐ-TKV ngày 23/12/2016. Theo đó, giá than điều chỉnh tăng từ 3% đến 10,7%, tùy theo từng chủng loại và bắt đầu thực hiện từ ngày 24/12/2016.
Giá than đang ảnh hưởng nhiều đến giá điện bởi nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn điện
Lo nguồn than nhập
Theo tính toán, nếu giá than tăng 10%, chi phí phát điện tăng 3 – 4%. Còn theo ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện (nhất là giá than) đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện. Riêng giá than cho điện tăng thêm 7% từ ngày 24/12/2016 đã làm chi phí sản xuất điện đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.
Trong QHĐVII đã tính toán nhu cầu than như sau: Năm 2020, công suất đặt các NMNĐ than là 36.000MW, sản xuất được 154,440 tỷ kWh, nhu cầu than cần 67,3 triệu tấn; Năm 2030, công suất đặt các NMNĐ than là 75.748,8MW, sản xuất điện 391,980 tỷ kWh, nhu cầu than cần 171 triệu tấn.
Theo Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch ngành Than Việt Nam đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than năm 2020 chỉ đạt 60 – 65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 75 triệu tấn.
Do đó, ngay từ khi QHĐVII có hiệu lực (ngày 21/7/2011) đã lường trước việc thiếu than và nêu ra giải pháp: Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xem xét xây dựng và đưa các NMNĐ than sử dụng than nhập vào vận hành từ năm 2015.
Song, cho tới thời điểm này, có thể nói việc tiếp cận nguồn cung để nhập than vẫn là vấn đề nan giải. Các nước mà Việt Nam đang hướng đến là Indonesia, Australia, Nga và Nam Phi. Nhập than từ Nam Phi là một ẩn số, còn Nga có TKV đang tiếp cận.
Indonesia và Australia là hai nhà cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á. Việt Nam đang tích cực triển khai nhập than của hai nước này song gặp khó khăn vì phần lớn than của họ đã có người mua, còn nếu mua được của họ thường phải mua qua nước thứ ba.
Giới chuyên gia từ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) lưu ý, việc Indonesia có kế hoạch đánh thuế rất cao vào than xuất khẩu chắc chắn sẽ đẩy giá than tăng cao, đồng thời khiến cho cuộc đua giành quyền mua than trở nên quyết liệt hơn. Việt Nam vốn rất yếu thế trong cuộc đua này sẽ càng khó cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, việc mua mỏ than ở nước ngoài cũng khó trở thành hiện thực: Ở Australia, các mỏ than có nhiều thuận lợi cho việc khai thác và vận chuyển đã được người Nhật mua cổ phần khai thác từ rất lâu, thậm chí mua cả cố phần của công ty vận chuyển đường sắt về cảng để xuất than.
Thế Vinh