Phú quý giật lùi
Một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VCBS chỉ ra rằng, việc Bộ Giao thông vận tải tăng cường các biện pháp siết chặt tải trọng xe ô tô từ 2014 đến nay được kỳ vọng là động lực giúp lượng tiêu thụ săm lốp tại thị trường trong nước đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn. Nhưng thực tế điều này lại giúp lốp giảm được áp lực và kéo dài vòng đời so với thời gian trước đó, do vậy, tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của thị trường săm lốp có phần chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng của lưu lượng ô tô. Trong khi đó, các doanh nghiệp săm lốp trong nước lại vấp phải áp lực giảm giá bán để cạnh tranh với lốp Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc giá nguyên liệu tăng mạnh, đặc biệt là cao su tự nhiên cũng tạo áp lực không nhỏ cho các DN sản xuất săm lốp. Sau khi chạm đáy vào những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, giá cao su tự nhiên tăng mạnh trở lại đã làm giảm biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp săm lốp trong nước. Theo báo cáo tài chính quý IV/2016 của Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM), doanh thu thuần năm 2016 giảm 9,6% so với năm 2015, đạt 3.287 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí nguyên liệu cũng gia tăng với tỷ lệ giá vốn trên doanh thu tăng lên 79% từ mức 77% của năm 2015 do giá cao su tự nhiên hồi phục. Theo đó, lợi nhuận gộp năm 2016 ghi nhận 680 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2015. Tính cả năm 2016, lợi nhuận sau thuế của CSM ghi nhận 261 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2015. Tương tự, doanh thu thuần năm 2016 của Công ty CP Cao su Đà Nẵng chỉ tăng nhẹ 1% so với năm 2015, nhưng giá vốn lại tăng trên 5% nên lợi nhuận gộp giảm tới 12%, chỉ đạt 698 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, DRC lãi ròng 395 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2015.
Kỳ vọng vào xuất khẩu
Dự báo trong năm 2017, thị trường ôtô vẫn sẽ duy trì tăng trưởng ổn định nhưng khó có sự đột biến như các năm trước đó. Mặc dù một số chính sách mới như thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN sẽ giảm từ 40% xuống 30% nhưng phải đến đầu năm 2018, thuế này mới giảm mạnh về 0% nên tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng có khả năng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của các dòng xe cá nhân (chiếm khoảng 57% tổng số lượng xe ô tô bán ra toàn thị trường). Với tình hình kinh tế vĩ mô dự báo sẽ giữ ở mức ổn định như trong năm 2016, các chuyên gia của VCBS cho rằng sản lượng tiêu thụ của dòng xe tải trong năm 2017 cũng sẽ không có đột biến. Bên cạnh đó, thị trường xe máy nhiều khả năng sẽ bão hòa bởi số lượng xe máy của cả nước hiện nay (khoảng 49 triệu xe) đã vượt quá số lượng quy hoạch đến năm 2020 (36 triệu xe) nên Nhà nước sẽ có các chính sách nhằm hạn chế lượng xe máy. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ săm lốp tại thị trường trong nước được dự báo sẽ vẫn duy trì tăng trưởng ổn định như trong năm 2015 ở mức 12%.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan khi thị trường Mỹ và Ấn Độ sẽ áp thuế chống bán phá giá với các mặt hàng săm lốp cho xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc, nâng mức thuế lên 42-45%. Được biết, trong năm 2015, số lượng săm lốp Trung Quốc dành cho xe tải xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt khoảng 9 triệu lốp với giá trị 1,07 tỷ USD. Cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường này là khá sáng sủa đối với các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam khi hiện tại, sản lượng tiêu thụ lốp xe tải nhẹ có xuất xứ từ Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh tại thị trường Mỹ khi có giá thấp hơn khoảng 12% so với lốp cùng loại từ Trung Quốc và thấp hơn gần 16% so với giá trung bình toàn thị trường lốp cùng loại nhập khẩu vào Mỹ. Còn đối với thị trường Ấn Độ, theo Hiệp hội Sản xuất săm lốp Ấn Độ, săm lốp nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 90% thị phần săm lốp nhập khẩu dành cho xe tải của quốc gia này, tương đương khoảng 708 nghìn lốp/năm trong năm tài khoá 2015-2016. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp săm lốp Việt Nam gia tăng thị phần tại các thị trường này.
Trong thời gian tới DRC dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang 2 thị trường Mỹ và Ấn Độ để tránh cạnh tranh trực tiếp về giá với lốp xe tải Trung Quốc. Hiện tại, DRC đang xuất thăm dò thị trường Mỹ khoảng 4 container/tháng (tương đương khoảng 240 lốp/tháng). DRC cũng đã tìm được các khách hàng tiềm năng cho 2 thị trường trên, đủ bao tiêu cho toàn bộ sản lượng sản xuất lốp radial (tương đương 600.000 sản phẩm) cho năm tới và đang trong giai đoạn đàm phán về giá. Sản phẩm của CSM hiện cũng đã được xuất khẩu sang 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh thu xuất khẩu đóng góp 29% trong tổng doanh thu và thị trường xuất khẩu chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á. Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho hay, cuối quý I/2017, dự án radial bán thép có công suất 500.000 lốp/năm của CSM dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. CSM đã tìm được đầu ra cho dự án và đã được đối tác từ Mỹ (Tireco) cam kết bao tiêu 1,5 triệu sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng.
Bên cạnh đó, giá cao su hiện vẫn nằm trong vùng giá thấp ở mức quanh 0,76 USD/kg, thấp hơn mức trung bình giá cao su 5 năm trở lại đây là 1,05 USD/kg. Ngoài ra, việc Mỹ và Ấn Độ sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm săm lốp nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2017 sẽ làm giảm sản lượng tiêu thụ săm lốp của nước này cũng như giảm nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên trong sản xuất. Do đó trong năm 2017, giá cao su được dự báo sẽ không tăng mạnh và duy trì ở mức thấp.
Mặc dù vậy, áp lực cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường trong nước sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt khi các thị trường xuất khẩu chính của săm lốp Trung Quốc là Mỹ và Ấn Độ sẽ chính thức áp thuế chống bán phá giá đối với lốp cho xe tải có xuất xứ từ nước này. Theo VCBS, khả năng cao lượng lốp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới (ước khoảng 10 triệu lốp xe tải) sẽ được xuất ngược lại thị trường châu Á, trong đó có thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực này sẽ không kéo dài khi chính Chính phủ Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch quy hoạch thu hẹp lại ngành săm lốp của mình bằng cách nâng cao các rào cản ra nhập ngành như quy định về chất lượng, về bảo vệ môi trường...