Lợi nhuận của ngành than năm 2016 suy giảm do tình hình xuất khẩu và tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn, dẫn tới phải cắt giảm nhân sự với số lượng lớn. Dự báo tình hình này sẽ càng khó khăn hơn khi than nhập khẩu đang có xu hướng tăng trưởng mạnh và một số doanh nghiệp sản xuất trong nước ưa chuộng “than ngoại” hơn “than nội”.
Vì thế mới đây, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, năm 2016 là một năm khó khăn nhất kể từ khi thành lập đối với TKV.
Xin ưu đãi để gỡ khó
Theo báo cáo của TKV, năm 2016 doanh thu toàn tập đoàn ước thực hiện 101.180 tỷ đồng, trong đó doanh thu sản xuất than chiếm phần lớn 51.120 tỷ đồng. Lợi nhuận ước tính của TKV trong năm 2016 vừa qua đạt trên 800 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015.
Báo cáo cũng cho biết, tổng số lao động đến ngày 31/12/2016 vừa qua là 112.800 người trong đó lao động cho sản xuất than là 77.000 người. Theo TKV, từ năm 2015 đến tháng 10/2016 đã giảm 8.000 lao động.
Trước tình hình khó khăn trên, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV TKV đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương một số cơ chế ưu đãi để hỗ trợ ngành khắc phục, vượt qua các khó khăn và đảm bảo duy trì tăng trưởng phát triển cho ngành than trong năm 2017.
Cụ thể, theo kiến nghị của Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn, Tập đoàn mong muốn Chính phủ điều hành cung cầu thị trường theo hướng ưu tiên dùng than được sản xuất trong nước theo thị trường.
Theo ông Chuẩn, hiện nay năng lực của ngành than có thể sản xuất 48 triệu tấn than nguyên khai, tương đương 43 – 44 triệu tấn than sạch. Với nhu cầu trong nước có 3 nguồn: á bitum, bitum và than anthracite, nếu dùng anthracite thì ưu tiên dùng than trong nước, còn lại không dùng cho phép xuất khẩu để giữ được ngành.
Đồng thời, ông Chuẩn kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành than 2016 – 2020, phê duyệt điều lệ ngành. Và đề nghị Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù cho ngành than.
Cùng với đó, về lĩnh vực than, Bộ Công Thương cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát các mức thuế, phí hiện áp dụng đối với ngành than để đề xuất điều chỉnh phù hợp. Chính phủ xem xét, điều chỉnh Nghị định số 203/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đây không phải là lần đầu tiên TKV xin ưu đãi, lần gần đây nhất để giải quyết tình hình khó khăn hiện nay, TKV và tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất với Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng than.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, do ngân sách khó khăn và chính sách thuế mới áp dụng chưa được nửa năm, cần có thời gian để tổng kết đánh giá nên giải pháp giảm thuế tài nguyên đối với mặt hàng than vào thời điểm này là chưa phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai lí giải, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh và TKV về giảm thuế xuất khẩu, hỗ trợ mặt hàng than xuất khẩu trong nước.
Theo Bộ Tài chính, việc đề nghị thay đổi mức thuế suất của từng sắc thuế căn cứ trên kiến nghị của một số đơn vị cần được cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang khó khăn.
“Hiện, giá than nhập thấp hơn giá bán trong nước, nên các nhà máy điện, xi măng giảm lượng mua từ TKV nên lượng tồn kho tăng trong khi lượng than xuất khẩu theo kế hoạch tính cho từ năm 2017 – 2020 chỉ 2 triệu tấn/năm.
Than nhập “sống khỏe”
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho TKV trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu than giai doạn 2017 – 2020 từ 2 triệu tấn/năm lên 3 – 4 triệu tấn/năm”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, đây là giải pháp khả thi hơn so với phương án giảm thuế xuất bởi vừa giảm được lượng than tồn kho mà trong nước ít có nhu cầu sử dụng vừa không thay đổi thu ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh than trong nước gặp khó khăn, lượng than nhập khẩu vẫn tăng trưởng khá. Theo Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 15/12/2016, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 12,9 triệu tấn, đạt giá trị kim ngạch gần 860 triệu USD. Trong khi đó chỉ xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn, đạt giá trị kim ngạch gần 130 triệu USD. Điều này cho thấy, lượng than nhập khẩu đang lớn hơn rất nhiều so với xuất khẩu.
Đáng chú ý, đầu năm 2016, theo dự báo của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hơn 3,1 triệu tấn than trong năm nay, trong đó riêng TKV sẽ phải nhập 1 triệu tấn để phục vụ các nhà máy điện của tập đoàn này; số còn lại phục vụ các nhà máy nhiệt điện, luyện thép và xi măng… Đến nay lượng than nhập khẩu đã gấp 4 lần so với dự báo.
Vì vậy, các số liệu thống kê đang cho thấy, từ năm 2009 tới nay xuất khẩu liên tục giảm mạnh. Dẫn tới, từ năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu về than. Như vậy TKV không chỉ gặp khó trong việc xuất khẩu mà còn gặp sức ép ngay chính thị trường nội địa.
Bằng chứng là trong năm qua, các công ty trong nước kiến nghị cho phép tự nhập khẩu than về sử dụng cho mục đích sản xuất của DN.
Như trường hợp hai công ty là công ty cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam và công ty Formosa kiến nghị đến Tổng cục Hải quan đề nghị cho tự nhập khẩu than về sử dụng cho nhà máy nhiệt điện.
Theo đó, Formosa đã gửi kiến nghị đến Tổng cục Hải quan, yêu cầu tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu than trực tiếp từ nước ngoài. Lý do của Formosa đưa ra, than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện của Formosa tại Đồng Nai. Đồng thời Formosa là DN có kinh nghiệm và có nguồn cung tốt, do đó được quyền tự nhập than không qua doanh nghiệp nào cả.
Còn Vedan xin Thủ tướng cho phép nhập khẩu than trực tiếp để phát điện thay vì qua các công ty được chỉ định. Giải thích cho “ý tưởng” này, Vedan cho rằng công ty chưa có thời gian tìm hiểu và làm việc với TKV và công ty Đông Bắc vì liên quan đến nhiều yếu tố như chủng loại than, chất lượng, giá cả và vận chuyển… Hơn nữa, thời gian quá cấp bách do mới biết đến Thông báo của Chính phủ.
Trước đó, khi lý giải về việc “vỡ trận” nhập khẩu than, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) khẳng định: Con số 3 triệu tấn là yêu cầu TKV nhập về cung cấp cho các nhà máy điện, còn thực tế con số ngoài dự kiến này là do các khách hàng này tự nhập.
Tuy nhiên, có thể thấy, theo đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến than nhập được ưu chuộng hơn là vì chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn than nội. Điều này cũng được TKV thừa nhận, giá than nhập thấp hơn trong nước là vì giá than thế giới xuống mức thấp, các DN có hợp đồng mua than từ trước đó nên tranh thủ mua vào phục vụ nhu cầu. Cùng với đó, than Việt Nam khai thác dưới tầng sâu 300 m so với mực nước biển. Chi phí khai thác đất đá khiến giá than tăng.
Lê Thúy