Doanh thu của ngành Đường sắt sụt giảm mạnh

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 06 Tháng Giêng 2017 10:37:00

Năm 2016, sản lượng và doanh thu ngành Đường sắt đều sụt giảm do sự cạnh tranh gay gắt với các phương tiện vận tải và cơ sở vật chất lạc hậu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chiều 5/1, tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cjho biết, trong năm vừa qua, ngành Đường sắt đạt doanh thu 8.338 tỷ đồng (đạt 88,8%), lợi nhuận sau thuế dự kiến 137 tỷ đồng, tỷ lệ tàu đi đúng giờ đạt 98,5%... Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn tại 30 công ty với mệnh giá là 204,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân sản lượng và doanh thu toàn Tổng công ty sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch là do hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình vận tải khác; cơ sở vật chất lạc hậu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Sự cạnh tranh gay gắt với các phương tiện vận tải cùng sự cố sập cầu Ghềnh, ô nhiễm môi trường biển và bão lũ liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung và Nam Trung bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh vận tải của Tổng công ty.

Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2016 rất hạn hẹp nên các dự án mới chưa được triển khai. Mặc dù các công ty vận tải đã đổi mới về tư duy và cách làm nhưng chưa theo kịp thị trường nên các giải pháp đề ra chưa mang lại kết quả như mong đợi, chưa tổ chức được vận chuyển từ khi đến kho, giá cước vẫn chưa cạnh tranh và phù hợp với thị trường.

Cũng theo ông Đoàn Duy Hoạch, năm 2017, ngành Đường sắt đề ra mục tiêu sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng, đồng thời thực hiện kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2016 từ 5-7% ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, giảm ít nhất 5% tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng vầ 7% sự cố chạy tàu do chủ quan.

Đồng thời, cũng đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao sản lượng, doanh thu vận tải hành khách, hàng hóa, tập trung tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa từ kho đến kho; điều hành vận tải theo đúng biểu đồ chạy tàu; tìm kiếm các đối tác để khai thác và tận dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt đặc biệt tại các ga lớn, trọng điểm về vận tải; lắp đặt cần chắn tự động cho các đường ngang còn lại, nâng cấp đường ngang theo hướng thay thế dần các đường ngang cảnh báo bằng biển báo, xóa bỏ lối đi dân sinh...

VT