Giá xăng lên, giá cước vận tải lên theo?

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 22 Tháng Mười Hai 2016 08:17:00

Việc tăng mạnh giá xăng dầu thời điểm cuối năm này được cho là sẽ tác động nhất định đến giá cước vận tải và giá cả hàng hóa khi mùa kinh doanh Tết cận kề. Với các doanh nghiệp (DN) vận tải, việc ổn định giá cước xem ra không dễ khi phí đường bộ vẫn là áp lực lớn.

Mức điều chỉnh giá xăng dầu ngày 20/12 vừa qua – kỳ điều chỉnh xăng dầu cuối cùng trong năm nay, được đánh giá là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm 2016 sau 23 lần điều chỉnh giá (với 13 lần tăng và 10 lần giảm giá).

Theo Bộ Công Thương, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 20/12 chênh lệch so với kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 5/12 là cao hơn 1.019 đồng/lít xăng RON 92 (tương đương 5,93%); cao hơn 950 đồng/lít xăng E5 (tương đương 5,6%); cao hơn 761 đồng/lít dầu diesel 0.05S (tương đương 5,89%); cao hơn 824 đồng/lít dầu hỏa (tương đương 7,93%).

Dễ “tát nước theo mưa”

Với mức chênh lệch như vậy, giới chuyên gia nhận định có thể sẽ khiến các chủ DN vận tải dễ “tát nước theo mưa”, nghĩ đến chuyện tăng cước vận chuyển hàng hóa thêm khoảng ít nhất 5 – 6%.

Nhiều ý kiến cho rằng càng cận tết, giá cả của mọi loại mặt hàng tiêu dùng thường “nhảy múa” theo chiều hướng tăng chứ không giảm, trong bối cảnh khả năng giá cước vận tải sẽ không đứng yên.

Nếu mặt bằng giá xăng dầu không kìm giữ tốt thì rõ ràng đây cũng là một nguyên nhân góp phần làm giá cả thị trường tăng theo chi phí vận chuyển. Nhất là giá cước của xe vận tải chở nông sản, thực phẩm cung cấp cho những đô thị lớn trong mùa Tết này được dự báo sẽ tăng thì chắc chắn nông sản sẽ tăng.

Thực tế, nếu giá xăng dầu không tăng, việc giữ giá cuối năm các mặt hàng cũng đã vất vả rồi, còn một khi giá xăng dầu tăng cao thì việc giữ giá các mặt hàng cuối năm là cả vấn đề nan giải của cơ quan quản lý.

Trong khi đó, giới DN vận tải thì lại than phiền phí đường bộ tăng cao đã khiến chi phí vận tải của DN tăng, kéo giá cả hàng hóa tăng theo. Xăng dầu chiếm khoảng 40-50% giá thành vận tải nên việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng nhiều đến giá thành vận tải. Bởi lẽ, các DN vận tải đã oằn mình chịu nhiều chi phí, việc tăng giá xăng dầu khiến giá cước vận tải tăng lên thì người dân sẽ phải chịu tác động trực tiếp trước tiên.

Trong kiến nghị mới đây nhất gửi đến Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về những khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực vận tải hàng hoá, các DN vận tải hàng hoá tại Tp.HCM phản ánh tình trạng ngoài việc phải đóng phí sử dụng đường bộ, xe lưu thông đường tại Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai vẫn tiếp tục đóng phí giao thông đường bộ cho các trạm thu phí BOT với mật độ dày đặc, được bố trí theo kiểu “vây bắt”.

Gánh nặng trạm BOT

Theo tính toán của các DN vận tải tại Tp.HCM, hiện nay, chi phí giao thông đường bộ áp dụng cho cả lượt đi, lượt về qua các trạm BOT cho tuyến đường từ Cảng quận 7 (Tp.HCM) đi Vũng Tàu là 800.000 đồng/chuyến (Trạm Cầu Phú Mỹ 160.000 đồng; Trạm Quốc lộ 51 là 320.000 đồng; Trạm Cao tốc Long Thành – Dầu Giây là 320.000 đồng). Trong khi đó, chi phí nhiên liệu vào khoảng 750.000 đồng/chuyến (60 lít dầu x 12.500 đồng/lít).

Riêng Cảng quận 7 đi Biên Hoà (Đồng Nai) chi phí đi qua các trạm BOT là 560.000 đồng/chuyến (Trạm Cầu Phú Mỹ là 160.000 đồng, Trạm Xa lộ Hà Nội là 160.000 đồng; Trạm Cầu Đồng Nai là 240.000 đồng).

Trong khi đó, vài tháng trước, vào thời điểm giá xăng chưa tăng mạnh như hiện nay (với mức giá 12.500 đồng/lít), chi phí nhiên liệu vào khoảng 437.500 đồng/chuyến (35 lít dầu x 12.500 đồng/lít).

Như vậy, chi phí giao thông đường bộ để xe qua các trạm BOT cao hơn chi phí nhiên liệu cung cấp cho xe vận hành trên các lộ trình nói trên, đây thực sự là gánh nặng cho các DN vận tải.

Thống kê mới đây từ Bộ GTVT cho thấy hiện đã có 23 trạm thu phí BOT điều chỉnh giảm phí, chiếm hơn một nửa trong tổng số 45 trạm đang thu phí thuộc sự quản lý của Bộ.

Hồi tháng 8/2016, Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính về việc giảm 10-15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) của các trạm thu phí (29 trạm) có mức thu tối đa khung tại Thông tư 159. Bộ Tài chính cho rằng mức giảm này góp phần giảm khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải.

Được biết, trong quy hoạch mạng lưới trạm thu phí hoàn vốn các dự án giao thông trên địa bàn Tp.HCM đến năm 2025, bao quanh các cửa ngõ Tp.HCM sẽ có khoảng 20 trạm thu phí, tăng gần gấp 3 lần so với hiện nay (có 7 trạm thu phí). Giới DN vận tải quan ngại nếu 20 – 30km có một trạm thu phí sẽ ảnh hưởng thời gian và giá thành vận tải.

Ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp.HCM, cho rằng điều bất cập là chủ các phương tiện giao thông đã nộp phí bảo trì đường bộ, lại phải nộp thêm phí ở các trạm thu phí BOT. Việc phát sinh nhiều trạm thu phí sẽ gây bức xúc, do phải nộp quá nhiều loại phí cho cùng một mục tiêu.

Thế Vinh