Thị trường thương mại điện tử: Việt Nam được mấy phần?

BHQ | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 16 Tháng Mười Hai 2016 14:15:00

Thương mại điện tử trở thành xu thế tất yếu cho các DN khi phương thức kinh doanh truyền thống đã dần trở nên lỗi thời. Nhưng do khúc mắc về thanh toán đã khiến cho thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thực sự có sự bứt phá.

Xu thế

Năm 2015, Tập đoàn Vingroup chính thức bước chân vào lĩnh vực thương mại điện tử với sự ra đời của sàn thương mại điện tử adayroi.com. Ngoài những ngành hàng quen thuộc như thời trang, sản phẩm công nghệ, dịch vụ…, adayroi còn có một số ngành hàng đặc biệt mà các sàn thương mại điện tử chưa từng kinh doanh như ngành hàng ôtô, xe máy và thực phẩm tươi sống. Trước đó, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện khá nhiều sàn thương mại điện tử cũng như website mua sắm trực tuyến như sendo.vn (đơn vị thuộc Tập đoàn FPT), nguyenkim.vn (trung tâm thương mại điện tử của Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim), tiki.vn (thuộc Công ty CP Tiki), zalora.vn, lazada.vn  (của Roket Internet)…

Sự ra đời của các sàn thương mại điện tử này đã khiến cho thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trở nên sôi động và đạt được những con số tương đối ấn tượng. Năm 2015, doanh thu bán hàng qua hình thức thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mốc 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014 và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với tốc độ này, dự kiến năm 2016, doanh số thu về từ thương mại điện tử chắc chắn cũng sẽ tăng.

Trên thực tế, nắm bắt được xu thế kinh doanh đa kênh nên nhiều DN đã tập trung phát triển thương mại điện tử thay vì chỉ đơn thuần sử dụng phương thức thương mại truyền thống, tức là cửa hàng. Bà Trịnh Vân Hoa, Giám đốc cấp cao của Trung tâm thương mại điện tử Nguyễn Kim cho biết: “Tiêu chí của chúng tôi là ‘tất cả vì khách hàng’. Chúng tôi đã nghiên cứu thói quen mua sắm của khách hàng, nắm bắt nhu cầu của khách hàng là mua sắm đa kênh để tập trung cung cấp phương tiện, giải pháp mua sắm tiện lợi nhất cho khách hàng”. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của Nguyễn Kim tăng gấp vài lần so với năm ngoái.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhìn nhận: “Ngày xưa khi mở cửa hàng chỉ cần có vị trí đẹp là thắng nhưng bây giờ câu chuyện đã khác khi có tới 40 triệu người sử dụng internet. DN phải tiếp cận theo hướng khách hàng ở đâu thì DN phải ở đó. Nếu DN bán lẻ không đầu tư thỏa đáng cho thương mại điện tử sẽ mất đi khách hàng”.

Tăng trưởng nhanh, thị trường nhiều tiềm năng song thị phần của DN Việt trong lĩnh vực thương mại điện tử còn khá khiêm tốn. Ông Tuyến cho hay, tiki, sendo… được hàng triệu người dùng, mấy chục nghìn đơn hàng/ngày, song chỉ dừng ở quy mô trong nước mà chưa vươn ra được quy mô toàn cầu. Không chỉ vậy, nếu so sánh với các nước trên thế giới thì thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ dừng ở giai đoạn manh nha, quy mô không lớn. Dù doanh thu từ thương mại điện tử năm 2015 có tăng gấp 5 lần so với năm 2012 nhưng khi đứng cạnh những thị trường khổng lồ về thương mại điện tử thì Việt Nam còn thua xa. Trong khi doanh số từ thương mại điện tử của Mỹ chiếm 5% tổng giao dịch bán lẻ, Trung Quốc chiếm 9-10% thì Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1-3%.

Khúc mắc về thanh toán

Vì sao thương mại điện tử ở Việt Nam còn chưa phát triển? Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, khúc mắc lớn nhất của thương mại điện tử là vấn đề thanh toán. Hầu hết ở Việt Nam dù mua hàng trực tuyến nhưng vẫn áp dụng hình thức thanh toán nhận hàng rồi trả tiền tại chỗ. Hình thức người mua thanh toán sau khi nhận hàng chiếm 90% tổng doanh thu; thanh toán qua Internetbanking/thẻ tín dụng/thẻ ATM chiếm 15% và phương pháp giao hàng phổ biến nhất hiện nay vẫn chủ yếu bằng phương tiện xe máy.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương mại điện tử phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế phát triển tốt, cơ sở hạ tầng, thanh toán trực tuyến. Ở Việt Nam, 2 yếu tố đầu đã được khắc phục song yếu tố thanh toán trực tuyến vẫn chưa khắc phục được khiến cho thương mại điện tử chưa phát triển. “Khó khăn với các DN thương mại điện tử là lòng tin của người mua hàng, nhiều người chưa sẵn sàng hoặc có người cảm thấy không yên tâm khi thực hiện giao dịch online dẫn tới số lượng đơn hàng trên internet chưa thực sự đúng với tiềm năng của Việt Nam”, ông Tuyến bổ sung thêm.

Theo kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu doanh số bán lẻ trực tuyến đạt 20%/năm, đạt 10 tỷ USD. “Với con số này thì không thể nói thương mại điện tử ở Việt Nam nhỏ nữa. Nếu duy trì tốc độ này thì Việt Nam sẽ trở thành cường quốc thương mại điện tử”, ông Hưng lạc quan nói. Tuy nhiên, muốn thương mại điện tử phát triển nhanh, quy mô lớn thì thanh toán trực tuyến là yếu tố quan trọng.

Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào các sàn thương mại điện tử thì thấy rằng, có sự tương đồng về chủng loại hàng hóa, vận chuyển, thanh toán, độ tin cậy… mà chưa có sự khác biệt. Do vậy, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, DN thương mại điện tử muốn thành công thì phải tìm ra thị trường ngách, tìm ra điểm khác biệt. Ví dụ như tiki định hình được với khách hàng nhờ yếu tố khác biệt là mặt hàng sách, hoặc như hướng đi adayroi đang làm.

Phan Thu