Ngày 21/10 tới, một trong những “tên tuổi” lớn trong ngành thực phẩm được chờ đợi lên sàn trong năm nay là CTCP Kỹ nghệ Việt Nam Súc sản (Vissan) sẽ chính thức đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với mức giá tham chiếu “khủng”.
Cụ thể, Vissan sẽ đưa 80,9 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM với mã giao dịch VSN và giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 67.000 đồng/CP.
Mức giá tham chiếu này được coi là “khủng” trên sàn UPCoM, tuy nhiên, đây chỉ là mức giá trúng thấp nhất trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vissan diễn ra hồi tháng 3 năm nay.
Trong lần IPO thực hiện ngày 7/3/2016, việc tổng khối lượng cổ phần mà các nhà đầu tư đăng ký mua gấp 5,6 lần lượng cổ phần đấu giá đã phần nào thể hiện sức hấp dẫn của Vissan.
Kết quả, 11,328 triệu cổ phiếu Vissan, tương đương 14% vốn điều lệ Công ty đã được bán ra thị trường, với mức giá trúng thấp nhất là 67.000 đồng/CP, trúng cao nhất là 102.000 đồng/CP; giá trúng bình quân 80.053 đồng/CP. Tổng giá trị IPO thu về gần 907 tỷ đồng.
Sau IPO, Vissan cũng đã nhanh chóng tìm kiếm được đối tác chiến lược là CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), một công ty con thuộc Tập đoàn Masan.
Vissan hiện có vốn điêu lệ gần 810 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 65%. Vissan được biết đến doanh nghiệp hàng đầu ngành thực phẩm. Với lĩnh vực hoạt động chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt, thương hiệu Vissan đã được xác lập trên thị trường từ lâu.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2015, Vissan đạt doanh thu 3.744 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,6% so với cùng kỳ 2014, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 116 tỷ đồng, tăng 6,5 tỷ đồng so với năm trước.
Theo kế hoạch 5 năm giai đoạn sau cổ phần hóa đã được ĐHCĐ thành lập Công ty thông qua, năm 2016, Vissan dự kiến đạt 99,178 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng nhẹ lên mức 99,475 tỷ đồng vào năm 2017; nâng lên 106,686 tỷ đồng vào năm 2018 và rơi thẳng 2 năm sau đó. Cụ thể, năm 2019, Vissan ước lãi 9,14 tỷ đồng và năm 2020, con số này tăng lên 52,206 tỷ đồng.
Anh Quốc