Lâu nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc ngành nước sạch, cung cấp nước luôn bị giới đầu tư “thờ ơ” trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, loại cổ phiếu này gần đây đã gây được sự chú ý của các “tay chơi” lớn nhờ sức khỏe tài chính tốt và làn sóng thoái vốn nhà nước.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, hầu hết doanh nghiệp (DN) ngành nước có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng, thậm chí là đột biến.
Cổ phiếu khả quan
Vừa qua, CTCP Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase – mã: BWE) công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2019 với doanh thu tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 641,7 tỷ đồng; lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 243 tỷ đồng, tăng 10%. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 103,4 tỷ đồng, tăng tới 153% so với quý II năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Biwase đạt 1.113 tỷ đồng, tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 242,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt 207,4 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu BWE cũng ghi nhận mức tăng trưởng 11% từ mức 24.500 đồng/cp hồi đầu năm lên 27.200 đồng/cp hiện nay.
Ngoài Biwase, những DN ghi nhận mức tăng trưởng trên 100% về lợi nhuận trong khi doanh thu chỉ ghi nhận dưới 10% trong kỳ vừa qua là: CTCP Cấp nước Bến Thành (mã: BTW), CTCP Cấp nước Vĩnh Long (mã: VLW), CTCP Cấp nước Hà Tĩnh (mã: HTW), CTCP Cấp nước Thanh Hóa (mã: THN), đã chứng tỏ được sự ổn định về mặt tài chính của các DN thuộc ngành này.
Song song với đó là mức tăng trưởng của giá cổ phiếu, cá biệt như PWS của CTCP Cấp thoát nước Phú Yên với mức tăng 355% từ 6.600 đồng/cp lên 30.000 đồng/cp, NQN của CTCP Nước sạch Quảng Ninh là gần 200% từ mức giá 5.530 đồng/cp (tính đến ngày 31/7/2019).
Đáng chú ý, cổ phiếu LWS của CTCP Cấp nước tỉnh Lào Cai khiến nhà đầu tư bất ngờ khi tăng giá đến 173% chỉ sau hơn một tuần giao dịch, từ mức giá chào sàn 10.400 đồng/cp lên 28.400 đồng/cp.
Trong tuần, LWS đã có trọn vẹn cả 5 phiên tăng trần nhưng khối lượng khớp lệnh mỗi phiên chỉ vỏn vẹn 100 – 200 cổ phiếu. Đà tăng này diễn ra trong bối cảnh gần đây không xuất hiện thông tin nào đủ sức khiến cổ phiếu LWS bứt phá như vậy.
Mặc dù được đánh giá là ngành thiết yếu, kinh doanh ổn định, khả năng sinh lời tốt nhưng nhiều cổ phiếu ngành nước vẫn bị “treo” thanh khoản, hoặc thanh khoản thấp. Tính trong 7 tháng đầu năm 2019, trên sàn UPCoM có tới 15 cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân là con số 0.
Tuy nhiên, gần đây vẫn có những trường hợp cá biệt như BWE, TDM (CTCP Cấp nước Thủ Dầu Một) lại ghi nhận đột biến về thanh khoản, trong 7 tháng vừa qua lần lượt tăng gấp 3 lần và gấp 10 lần cùng kỳ.
Thu hút “ông lớn”
Nhìn chung, việc thanh khoản thấp có thể đến từ việc cổ phiếu ngành nước khá “kén” nhà đầu tư. Thế nhưng, sức hấp dẫn của một ngành kinh doanh thiết yếu, mang tính độc quyền cùng nhu cầu nước sạch ngày càng tăng là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư lớn nhòm ngó lĩnh vực này.
Có thể kể đến DNP Water – một đơn vị thuộc CTCP Nhựa Đồng Nai, là công ty tư nhân đầu tiên hoạt động trong ngành nước tại Việt Nam huy động nguồn vốn từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) lên đến 24,9 triệu USD.
Dù mới thành lập năm 2017, DNP Water đến nay đã sở hữu 14 công ty/dự án với tổng công suất thiết kế 830.000m3/ ngày đêm, phục vụ cho hơn 700.000 khách hàng. DNP Water có mặt tại 11 tỉnh thành trải dài khắp cả nước. Công ty đặt mục tiêu nâng tổng công suất lên 1 triệu m3/ngày đêm và trở thành DN ngành nước hàng đầu Việt Nam.
Trong chuyến thăm của ông Philippe Le Houérou, Tổng giám đốc điều hành IFC – thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), DNP Water kỳ vọng IFC sẽ mở rộng các công cụ hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi để DN có thể xúc tiến việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy nước ở nông thôn, ngoại ô trong tương lai…
Hay như CTCP Cơ điện lạnh (REE), mục tiêu đầu tư vào các ngành thiết yếu và nước sạch là một trong những trụ cột chiến lược trong tương lai. Mảng nước của Cơ điện lạnh trong năm 2018 tăng 64% về lợi nhuận, đạt 154 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có CTCP Nước AquaOne, thiết bị điện Gelex, Cấp nước Đồng Nai, Manila Water và CII đang nắm cổ phần lớn tại CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII)…
Theo Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch đạt 90 – 95%, giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 80 – 85%. Đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95 – 100%; giảm thiểu lượng nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý trước khi xả ra môi trường xuống còn 70%.
Về chính sách giá cả, do đây là mặt hàng thiết yếu nên giá đầu ra được quy định bởi Nhà nước. Biểu giá sẽ được áp dụng khác nhau cho từng vùng (nông thôn, thành thị), từng mức sử dụng (theo thang lũy kế), từng mục đích sử dụng (nước sinh hoạt, nước sản xuất, nước dịch vụ)… Lộ trình tăng giá bán do từng địa phương quyết định.
Như vậy, tiềm năng của ngành nước là quá rõ ràng cùng với làn sóng cổ phần hóa, bán vốn nhà nước, triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu ngành nước đang trở nên tốt hơn.