Từng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2015, nhưng sang năm 2016 hàng loạt các DN khai khoáng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong khi tốc độ tăng trưởng của toàn ngành lại đang theo chiều hướng đi xuống. Điều gì đang xảy ra với ngành khai khoáng?
Cách đây vài năm, kiếm được một giấy phép khai thác mỏ thực sự là một “cuộc chiến” giữa các DN trong nước, bởi nguồn lợi từ việc khai thác khoáng sản mang lại khiến cho nhiều DN thèm thuồng.
Gam màu tối
Trường hợp của Cty Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc là một ví dụ. Năm 2009, lợi nhuận của Cty này mới chỉ vẻn vẹn có hơn 2 tỷ đồng, nhưng sang năm 2010, lợi nhuận sau thuế ghi nhận được lên tới hơn 196 tỷ đồng, tức là gấp gần 200 lần năm trước. Các năm sau đó lợi nhuận không còn cao, nhưng vẫn ở mức 38 tỷ đồng vào năm 2011 và 40 tỷ đồng năm 2012. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi nhanh chóng, năm 2015 cổ phiếu của công ty này bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoáng TP HCM do thua lỗ, và cách đây hai tháng cổ phiếu này cũng tiếp tục bị hủy niêm yết trên sàn UPCoM.
Câu chuyện của Cty Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc đã phần nào phản ánh bức tranh của ngành khoáng sản trong những năm qua. Nhưng dù sao, năm 2015 tốc độ tăng trưởng toàn ngành cũng vẫn đạt 6,5% so với năm 2014. Còn nửa đầu năm nay, Tổng cục Thống kê cho biết, ngành khai khoáng đã giảm 2,2 % so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nửa đầu năm 2015 tăng hơn 8%.
Gam màu tối trong bức tranh của ngành khai khoáng năm nay được thể hiện rõ nét nhất khi Tập đoàn Hòa Phát đã xin trả lại hai mỏ khai thác quặng sắt Tùng Bá và Cao Vinh ở Hà Giang cho Chính phủ tháng 4 vừa qua. Rõ ràng, chả ai còn mặn mà tranh nhau xin quyền khai thác mỏ nữa, thậm chí cũng chẳng còn buồn giữ mỏ để cho sau này.
Theo lý giải của Cty CP Đầu tư Khoáng sản An Thông – Cty con của Tập đoàn Hòa Phát được cấp phép đầu tư vào hai mỏ trên – chi phí khai thác mỏ cao, trong khi đó giá quặng sắt trên thế giới đã giảm từ 30%-50% so với đầu năm 2014. Như vậy, dù rất cần quặng cho các nhà máy cán thép của mình, Hòa Pháp quyết định nhập quặng bên ngoài vào thay vì tự khai thác quặng trong nước.
Thống kê của tỉnh Yên Bái cho thấy, năm 2015, tỉnh có 31 trên 32 doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt phải đóng cửa, lượng quặng tinh tồn đọng lớn vì càng sản xuất càng lỗ. Đầu tư máy móc cho nghiền tuyển quặng sắt trị giá hàng trăm tỷ đồng đang có nguy cơ trở thành sắt vụn do ngừng sản xuất và doanh nghiệp phải bán dần các thiết bị để có tiền trả lương công nhân. Nợ ngân hàng chồng chất, trong khi do đặc thù địa lý, các mỏ ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn hiểm trở, chỉ tính riêng chi phí vận chuyển quặng đã lên tới gần 500.000 đồng/tấn, trên giá bán quặng cùng thời điểm là 1,1 triệu đồng/tấn, khiến doanh nghiệp khai thác quặng sắt không còn đường xoay xở.
Tiềm lực tài chính mạnh và có sẵn đầu ra là các nhà máy cán thép như Hòa Phát còn phải xin trả lại mỏ, thì những DN khai thác quy mô nhỏ hơn cũng phải “đầu hàng” là chuyện dễ hiểu. Theo thống kê tại tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh có 52 dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép, nhưng đến cuối năm 2015 chỉ có 11 dự án hoạt động, 20 dự án đã tạm dừng hoạt động và số còn lại thì chưa bao giờ hoạt động.
Ngay cả Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tập đoàn khai khoáng lớn nhất cả nước, khối lượng khai thác than trong nửa đầu năm nay cũng đã giảm hơn hai triệu tấn so với kế hoạch đặt ra đầu năm.
Ông Nguyễn Văn Biên – Phó Tổng giám đốc Vinacomin chia sẻ, hồi đầu năm tập đoàn từng kỳ vọng sẽ đạt cao hơn kế hoạch được đặt ra, nhưng sau những gì thu được nửa đầu năm nay thì cũng chỉ dám bám sát kế hoạch để thực hiện.
Trong khi tình trạng khai thác mỏ quặng và than đi xuống, thì khai thác dầu thô cũng chịu chung cảnh ngộ, do giá dầu dù có hồi phục đợt đầu năm những vẫn quanh quẩn dưới 50 USD một thùng. Ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, việc giá dầu thấp đã ảnh hưởng tới chi phí đầu tư khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Để đảm bảo mức tăng của ngành dầu khí như năm ngoái, ông Tuyến cho biết PVN sẽ phải khai thác thêm hai triệu tấn dầu so với kế hoạch hơn 14 triệu tấn dầu hiện tại.
Trong khi đó ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo tăng trưởng ngành khai khoáng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong năm nay. “Khả năng cuối năm sẽ giảm 9%, giảm hơn nhiều so với những tháng đầu năm” – ông Thúy nói.
Giá thấp, thuế cao
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến ngành khai khoáng trở nên u ám trong năm nay là do giá cả trên thị trường thế giới ở mức thấp.
Trên thị trường quặng sắt thế giới, Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Australia mới đây nhận định rằng giá quặng sắt sẽ bình quân ở mức 45 USD/tấn trong năm nay. Tuy đây là mức giá dự báo đã được nâng thêm 11%, nhưng vẫn còn khá thấp so với mức giá trước kia là hơn 60 USD/tấn.
Còn với ngành dầu mỏ, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự đoán giá dầu trung bình năm nay và sang năm 2017 sẽ chỉ ở mức 45 USD – 50 USD một thùng. Trong khi đó, giá than trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung tăng từ Úc và Indonesia.
Khi thị trường khó khăn, thì chi phí khai thác và giá bán các loại khoáng sản lại tăng lên, do thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường và thuế xuất khẩu tăng. Đơn cử như từ ngày 1/7 thuế tài nguyên đối với than lộ thiên tăng từ 9% lên 12%, đối với than hầm lò tăng từ 7% lên 10%. Ông Biên cho biết Vinacomin có thể phải xem xét lùi một số kế hoạch khai thác do nhiều yếu tố khó khăn cùng tác động.
Nhưng đó không phải là tất cả lý do. Ông Phạm Đình Thúy thì cho rằng, ngành khai khoáng giảm là điều đã được dự báo từ trước, bởi Chính phủ đã có chính sách hạn chế xuất khẩu và khai thác khoáng sản. Theo ông Thúy, thực tế lượng khoáng sản như than hay dầu khí của Việt Nam cũng có hạn và đã đi vào lúc thoái trào, vì vậy khai thác và xuất khẩu không được khuyến khích. Ví dụ như cách đây vài năm Chính phủ cũng đã cấm xuất khẩu quặng sắt. “Điều này buộc Chính phủ phải phát triển các ngành khác để bù đắp sự sụt giảm” – ông Thúy nhấn mạnh.