Yếu công nghệ, nặng chi phí, thiếu các hợp đồng vận chuyển ổn định khiến các doanh nghiệp vận tải biển nội địa không tận dụng các tiềm năng, khó cạnh tranh với các hãng tàu ngoại.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Quân, chuyên viên khai thác của công ty TNHH vận tải biển Pegasus Shipping – một doanh nghiệp (DN) nội địa ở Tp.HCM chuyên vận tải hàng rời quốc tế, cho biết công ty đang muốn mở rộng mua tàu mới ở nước ngoài để tăng sức cạnh tranh nhưng lại gặp khó khi vướng chính sách trừng phạt của Mỹ với một số quốc gia khác.
Yếu công nghệ
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dù được cho là mở ra tiềm năng vận chuyển container đường biển từ Việt Nam đi Mỹ và các nước cũng như chiều ngược lại sẽ rất lớn, thế nhưng một số DN vận tải biển nội địa thừa nhận chưa thấy rõ được tiềm năng này.
Thậm chí, như chia sẻ của bà Quân, lượng hàng rời mà công ty vận chuyển có sự giảm xuống ở chiều xuất khẩu lẫn chiều nhập khẩu so với trước khi có thương chiến.
Bà Quân cũng thừa nhận đội tàu của công ty thời gian qua hạn chế, ít xuất đi Trung Quốc hơn vì nước này phát sinh thêm nhiều điều luật, quy định khắt khe, dẫn đến tốn kém nhiều chi phí cho đội tàu, nên rất khó cạnh tranh.
Có thể nói, đối với các DN vận tải biển của Việt Nam hiện nay, để phát triển và cạnh tranh được với các hãng tàu lớn của nước ngoài là hoàn toàn không dễ dàng. Trong đó, vấn đề giá cả, công nghệ cũng phải cạnh tranh, rồi khâu thông quan và nhất là việc thương thảo với các DN xuất nhập khẩu, đại lý để có thể có các hợp đồng vận chuyển ổn định.
Mặt khác, chi phí của ngành vận tải container đường biển là một thách thức lớn đối với các DN vận tải biển nội địa, được ví như “canh bạc” khi chi phí nhiên liệu tăng cao còn giá cước vận chuyển thì không thể tăng theo đột biến nếu muốn cạnh tranh, nên dễ dẫn đến thua lỗ.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo quốc tế về vận tải biển và logistics châu Á lần thứ 12 do Đại học RMIT tổ chức mới đây tại Tp.HCM, ông Henry Võ, Quản lý bộ phận của công ty vận chuyển hàng đa quốc gia Expeditor, nhấn mạnh rằng nếu các DN vận tải biển trong nước không chịu khó đầu tư công nghệ, vẫn giữ cách làm cũ tồn tại như bao nhiêu năm nay thì sẽ khó có thể kéo giảm được chi phí.
Liên hệ cụ thể từ trường hợp của DN mình, ông Henry Võ cho biết, khi mang công nghệ vào áp dụng thì tiết kiệm nhiều chi phí cho phía khách hàng. Đơn cử như hệ thống đặt hàng vận chuyển trên mạng thay vì phải đặt hàng qua email như trước, giúp đối tác nhận được thông tin tức khắc, làm cho khâu thủ tục nhanh hơn, giảm thời gian rất nhiều cho các nhà xuất nhập khẩu.
Cải tiến để cạnh tranh
Theo ông Henry Võ, dường như các DN vận tải biển trong nước vẫn chưa quen với việc áp dụng công nghệ trong công việc của mình. Điều này đòi hỏi các DN nội trong lĩnh vực này nên tìm hiểu và đầu tư hơn về mặt công nghệ nhằm thông qua đó có thể giảm được chi phí.
Chi phí cho vận tải biển chính là một trong những mấu chốt cho việc nặng gánh chi phí logistics như ở Việt Nam. PGs Mathews Nkhoma, Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị (Đại học RMIT), cho biết theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm khoảng 20,9% GDP, cao hơn Trung Quốc (19%), Thái Lan (18%), Nhật Bản (11%) và Cộng đồng chung châu Âu (10%).
Cho rằng chi phí logistics cao (trong đó có chi phí vận tải biển) là một trong những cản trở tính cạnh tranh của quốc gia trong môi trường giao thương có tính kết nối và hội nhập hết sức chặt chẽ, ông Nkhoma nhấn mạnh việc Việt Nam cần nỗ lực cắt giảm chi phí logistics xuống 16 – 20% GDP trong 5 – 6 năm tới, đồng thời tăng đóng góp vào GDP lên 8 – 10%. Điều này sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn trong việc tái cấu trúc và thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Giới chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong ngành vận tải biển và logistics, nhưng những thách thức cho hạ tầng vận tải biển cũng như khả năng cạnh tranh hạn chế của các DN vận tải biển nội địa thì vẫn còn đó.
Một thống kê cho thấy trong ngành vận tải biển ở Việt Nam hiện có khoảng 1.300 DN tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ vận tải và logistics, nhưng đa phần chỉ là hợp tác và cung cấp dịch vụ logistics cho bên thứ hai, trong đó nắm chủ chốt vẫn là các công ty logistics lớn của nước ngoài với khoảng 80% thị phần vận tải biển.
Về năng lực của các DN vận tải biển trong nước, theo đánh giá, phần lớn đang cung cấp các dịch vụ chi phí thấp và chất lượng thấp, công nghệ cũ kỹ nên chưa thể cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Hầu hết đều là các DN có quy mô nhỏ, hạn chế về khả năng tiếp cận vốn và thiếu nhân lực được đào tạo đầy đủ.
Trong khi đó, như chia sẻ của ông Henry Võ, qua tìm hiểu cho thấy các DN vận tải biển có quy mô toàn cầu sẵn sàng đầu tư các công nghệ mới, hệ thống mới. Nếu DN vận tải biển trong nước muốn cạnh tranh thì chỉ có cách là phải cải tiến theo các công nghệ mới.
Thế Vinh