Thị trường giày Việt Nam có thể sẽ bị xáo trộn nếu Mỹ áp mức thuế 25% lên sản phẩm giày từ Trung Quốc vì chiến tranh thương mại.
Nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng thuế lên mức 25% đối với 300 tỉ USD hàng hóa đến từ Trung Quốc ngay sau phiên điều trần ngày 17.6. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), lo ngại: “Sản phẩm giày của Trung Quốc sẽ đổ vào các nước khác, trong đó có Việt Nam”.
Hai mặt của dịch chuyển
Sản phẩm giày dép được Lefaso xác nhận nằm trong danh sách 300 tỉ USD hàng hóa đến từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế, bất chấp việc nước này nhập khẩu tới trên 95% nhu cầu giày tiêu dùng trong nước. Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ khoảng 15 tỉ USD/năm với 2 dòng sản phẩm cao cấp và bình dân. Việc Mỹ lần đầu tiên dự kiến áp thuế sản phẩm giày từ Trung Quốc có thể dẫn đến sản lượng giày từ Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm.
“Không quốc gia nào hấp thụ được hết sản lượng giày của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ”, Phó Chủ tịch Lefaso nhận định. Theo ông, số lượng giày Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ rất lớn, các nước làm giày khác không thể thay thế trong ngày một, ngày hai. Ngay cả Việt Nam, quốc gia xuất khẩu giày lớn thứ 2 vào thị trường Mỹ, cũng không thể tiếp nhận hết sản lượng từ Trung Quốc chuyển sang. Với năng lực sản xuất hiện nay, Việt Nam chỉ đáp ứng được mức sản lượng từ 10-20%.
Phó Chủ tịch Lefaso cho biết đã có gần 200 nhà nhập khẩu giày gửi kiến nghị lên Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông thậm chí tin rằng Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu lại việc áp thuế. Bởi vì việc Mỹ áp thuế cao, một mặt ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, nhưng mặt khác, người tiêu dùng Mỹ đang phải mua hàng hóa với giá cao hơn.
Việc Mỹ dự kiến áp mức thuế lên sản phẩm giày, ông Kiệt cho đó là “hai mặt của một vấn đề”. Về mặt tốt, Việt Nam có điều kiện để lựa chọn sản xuất những dòng sản phẩm giá trị cao. Điều này khác với trước đây, những hợp đồng doanh nghiệp Việt Nam không làm, nhà nhập khẩu sẽ đưa sang Trung Quốc sản xuất. Nhưng mặt tiêu cực cũng rất lớn khi các thương hiệu giày quốc tế và Trung Quốc chọn Việt Nam để dịch chuyển sản xuất, thị trường trong nước chắc chắn bị xáo trộn do không đủ các nguồn cung cho sản xuất. Đặc biệt, tình trạng giành giật lao động sẽ rất khốc liệt, giá nhân công bị đẩy lên mức cao hơn, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh chi phí sản xuất giày tại Việt Nam đang dần cao hơn các nước khác.
Việt Nam đang xây dựng chiến lược thu hút FDI mới, với kỳ vọng thu hút được công nghệ cao và năng lực quản trị cao hơn. Thế nhưng, trước làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, Cục Đầu tư Nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã buộc phải lên tiếng báo động về khả năng nền sản xuất trong nước phải chịu những tác động tiêu cực, khi chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đã đầu tư 7,6 tỉ USD vào Việt Nam. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2018 chỉ 2,46 tỉ USD.
“Các doanh nghiệp giày trong nước đang canh cánh mối lo mất lao động, các doanh nghiệp giày FDI đang rất chú trọng sự dịch chuyển này do muốn mở rộng nhà máy và nâng cấp thiết bị”, ông Kiệt nói. Đến nay, xuất khẩu da giày gần như trong tay các doanh nghiệp FDI, khoảng 800 doanh nghiệp FDI, chiếm chưa đến 25% số lượng doanh nghiệp ngành giày nhưng quyết định tới 77% giá trị xuất khẩu.
Tại thị trường Mỹ, thị phần giày dép của Trung Quốc đang lớn gấp 4 lần Việt Nam do Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ quanh mức 4 tỉ USD. Điều này cho thấy rõ sự dịch chuyển sản xuất phát sinh từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và mức thuế cao và không có gì đảm bảo các nhà sản xuất giày, đặc biệt là các nhà sản xuất Trung Quốc, sẽ đầu tư thiết bị hay công nghệ mới vào Việt Nam.
Ngoài việc Trung Quốc không dễ dàng để Việt Nam tăng thị phần giày tại thị trường Mỹ, thì những quốc gia sản xuất giày lớn trên thế giới như Campuchia, Myanmar, Bangladesh sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam tại thị trường này. “Các nhà sản xuất giày nước này có khả năng sẽ đưa ra các dòng sản phẩm công nghệ cao nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn tại thị trường Mỹ”, ông Kiệt cho biết.
Hiện các dòng sản phẩm phổ thông đang có lợi nhuận thấp, nếu bị Mỹ áp mức thuế cao hơn và nhà sản xuất Trung Quốc chắc chắn không chịu nổi chi phí. Nhưng với dòng sản phẩm cao cấp, lợi nhuận không đến từ sức lao động, mà đến từ sự sáng tạo. Về điều này, các nhà sản xuất Trung Quốc đang làm tốt hơn Việt Nam. Theo ông Kiệt, đây là kết quả của nhiều năm, các nhà sản xuất giày Trung Quốc một mặt mua công nghệ từ các nước khác, nhưng mặt khác đầu tư nghiên cứu, tự làm ra thiết bị, dần thay thế thế máy móc nhập khẩu.
Một thực tế, giá xuất khẩu giày bình quân của Việt Nam không còn rẻ, một phần do chi phí nhân công ngày càng cao. Giá bình quân giày của Việt Nam xuất ra thế giới khoảng 17 USD/đôi, giá xuất khẩu bình quân của châu Âu là 25 USD, trong khi giá xuất khẩu giày bình quân của toàn thế giới chỉ xấp xỉ 9 USD. Hơn nữa, với thời gian xuất khẩu giày sang Mỹ bình quân là 30 ngày đã khiến chi phí vận chuyển một đôi giày xấp xỉ trên dưới 1 USD, đó là chưa tính đến thuế nhập khẩu theo quy định của nước này.
Việt Nam có thể tận dụng cơ hội Mỹ áp thuế cao đối với giày từ Trung Quốc để hiện thực hóa mục tiêu này. Nhưng ngành sản xuất giày của Việt Nam chưa thể có năng lực cạnh tranh tốt hay phát triển bền vững tại thị trường Mỹ nói riêng, thế giới nói chung, nếu toàn ngành không nhanh chóng khắc phục những tồn tại cố hữu về công nghệ, quy mô sản xuất, nhân lực chất lượng cao và năng suất.
Bà Trương Thị Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty Liên Phát (Bình Dương), cho biết, doanh nghiệp da giày phải tốn nhiều chi phí để nhập khẩu máy móc. Trong khi đó, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển chậm hơn nhu cầu của ngành sản xuất giày, tỉ lệ nội địa hóa toàn ngành chỉ 40-45% tập trung chủ yếu vào 2 mặt hàng thứ yếu là đế giày và chỉ khâu.
Như vậy, bài toán đối với Việt Nam không chỉ ở việc Trung Quốc chuyển dịch sản xuất, Chính phủ cần tập trung hơn nữa cho nghiên cứu phát triển, áp dụng công nghệ cao để giải phóng sức lao động, đảm bảo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động.
Hải Vân