Một số chuyên gia lo ngại khả năng ngành gỗ Việt Nam bị vạ lây từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nếu trở thành nơi trung chuyển hàng hoá trước khi xuất sang Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng cao
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,62 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh nhất so với các thị trường khác, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng cục Hải quan đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 có thể tăng 16 - 18% so với cùng kỳ năm trước nhờ thị trường sản phẩm gỗ và đồ nội thất trên thế giới còn dư địa, một số doanh nghiệp gỗ trong nước đã có đơn hàng đến hết năm. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể giúp các đơn hàng từ Mỹ chuyển dịch về Việt Nam thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc...
Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về khả năng phát triển bền vững của ngành gỗ khi chưa được đầu tư vào khâu thiết kế mẫu mã, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng lao động lành nghề… Cùng với đó, dòng vốn dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ẩn chứa một số rủi ro.
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu gỗ năm 2018 và xu hướng 2019 do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (ViForES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPa Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BiFa) và Tổ chức Forest Trends công bố cho thấy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo ra những lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường. Năm 2018, xuất khẩu gỗ dán, gỗ ghép từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, với kim ngạch tăng 270% so với năm 2017.
Tuy nhiên, Báo cáo nhắc đến sự kiện ngày 20/11/2018, cơ quan thương mại của Mỹ ra thông báo điều tra 5 công ty của Mỹ nhập khẩu ván ép từ Việt Nam. Việc điều tra được tiến hành dựa trên nghi ngờ rằng, các công ty này nhập gỗ ván được làm từ gỗ phong có nguồn gốc từ Trung Quốc mà trước đó số ván này được sản xuất tại Trung Quốc, rồi nhập khẩu vào Việt Nam và sử dụng nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Báo cáo trên đề cập trường hợp Công ty VN Finewood.
“Hiện Chính phủ Mỹ đang chính thức điều tra vụ việc này. Kết quả điều tra có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Mỹ năm 2018 không cao, cộng với cuộc điều tra về gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của Chính phủ Mỹ đang diễn ra tại Việt Nam cho thấy, cuộc chiến Mỹ - Trung chưa chắc đã đem lại lợi ích như một số người kỳ vọng”, Báo cáo đề cập.
Cần chủ động mở rộng thị trường
Đại diện Hawa cho biết, chưa nhận được thông tin cụ thể nào về trường hợp trên. “Việc chuyển đổi xuất xứ là một vấn đề rất lớn, nếu Chính phủ không mạnh tay, ngành công thương, hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng như các hội ngành nghề không sớm vào cuộc, thì ngành gỗ Việt Nam dễ bị vạ lây”, đại diện Hawa nói.
Hawa kiến nghị, dù ngành gỗ Việt Nam đang phát triển thuận lợi và được đánh giá là số 1 thế giới, nhưng nội lực của doanh nghiệp cần phải định hình lại, khi sân chơi ngày càng lớn hơn, họ cần phải học cách thích ứng nhanh hơn.
“Nếu thiếu quy hoạch, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội, khi không kiểm soát đầu tư, công nghệ cũ vào, dòng hàng rẻ tiền dịch chuyển vào, doanh nghiệp Trung Quốc đội lốt doanh nghiệp Việt..., sẽ tác động rất xấu đến ngành gỗ Việt”, đại diện Hawa nói.
Cũng theo đại diện Hawa, doanh nghiệp ngành gỗ nên cân nhắc việc mở rộng các thị trường khác, đặc biệt là tận dụng ưu đãi về thuế sau khi các hiệp định thương mại được ký kết. Ví như, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản được đánh giá là cơ hội “rất tốt” để đẩy mạnh vào thị trường châu Âu, tránh sự tập trung hay lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, khi chính sách của quốc gia này có thể diễn biến khó lường.
Thị Hồng