Các doanh nghiệp vận tải biển đã đi được ¼ chặng đường của năm 2019, bức tranh kinh doanh tổng thể là gam màu tối, u buồn, len lỏi chỉ có ít những gam màu tươi sáng chấm phá.
Trong số những ‘con tàu’ của ngành thì ‘con tàu’ chở nhiều lợi nhuận nhất trong quý là Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) với 175 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% so với quý I/2018. PVT giải trình rằng Công ty mẹ và các đơn vị thành viên kinh doanh khai thác các tàu đầu tư mới có hiệu quả nên thu được kết quả khá khả quan. Doanh thu của PVT thuộc dạng ‘khủng’ trong ngành lên đến 1.862 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ, giá vốn hàng bán của Công ty chỉ tăng nhẹ 2% lên mức 1.588 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vận tải biển (Đvt: Triệu đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (HNX: PTS) – tăng 123% so cùng kỳ nhưng thực tế chỉ tăng vài trăm triệu đồng. Được biết lãi tăng vọt là do Công ty đã đầu tư thêm tàu ven biển PTSHAIPHONG03 làm doanh thu tăng vượt trội và dẫn đến lợi nhuận tăng, ghi nhận tại mức gần 1,5 tỷ đồng.
Á quân lợi nhuận trong nhóm doanh nghiệp vận tải biển là CTCP Gemadept (HOSE: GMD). So với cùng kỳ, doanh thu và giá vốn hàng bán của GMD đều giảm lần lượt 9% và 22%, sau cùng Công ty có lợi nhuận hơn 146 tỷ đồng, giảm 89% so với quý I/2018.
Giảm lãi mạnh như vậy là do quý I/2018, GMD thực hiện tái cấu trúc nên phát sinh lợi nhuận trước thuế từ chuyển nhượng vốn trong các công ty con hơn 1,355 tỷ đồng. Nhưng trong quý rồi, Công ty cũng đã phát triển được mảng kinh doanh chính là khai thác cảng và logistics.
Tình thế thay đổi: Con tàu thoát lỗ, con tàu thì mất đà lùi về sau vạch xuất phát
CTCP Vận tải Biển Vinaship (UPCoM: VNA) trong quý này chuyển mình so với cùng kỳ, Công ty ghi nhận lãi hơn 35 tỷ đồng. Doanh thu trong kỳ gần 187 tỷ đồng, nhích nhẹ 3% so với quý I/2018, điểm sáng là giá vốn hàng bán của VNA giảm 14 tỷ đồng, tương đương giảm 8%. Thế nhưng Công ty vẫn còn khoản lỗ lũy kế gần 213 tỷ đồng.
VNA cho hay chi phí lãi vay trong kỳ giảm do tái cơ cấu tài chính thành công, chi phí sửa chữa lớn nên doanh thu vận tải biển đã cải thiện rõ rệt. Hơn nữa, Công ty đã hoàn thành dự án bán tàu Mỹ An góp phần cải thiện tình hình tài chính.
Thế nhưng VNA là trường hợp duy nhất trong quý I chuyển lỗ thành lãi. Có đến 7 đơn vị vận tải đường thủy báo lỗ trong 3 tháng đầu năm 2019, trong đó có doanh nghiệp lần đầu thua lỗ sau 5 năm.
Cụ thể, trong quý I/2019, CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) đã lỡ bước dấn thân vào thua lỗ sau nhiều năm làm ăn có lãi ổn định. VIP mang về doanh thu gần 126 tỷ đồng, giảm hơn 36% so quý trước trong khi đó giá vốn lại chiếm đến 127 tỷ đồng, cao hơn cả doanh thu nên phải ghi nhận lỗ gộp hơn 1 tỷ đồng.
Do giá cước các tàu năm 2019 giảm và con tàu P16 được sửa chữa định kỳ tháng 1 làm cho lợi nhuận vận tải giảm. Chi phí tài chính cũng giảm do thanh toán gốc vay tàu nên số lãi vay giảm. Số lỗ đầu tư vào Công ty liên doanh, liên kết tăng do các công ty này hoạt động khai thác tàu không hiệu quả.
Từ những điều đó, VIP ôm khoản lỗ gần 18 tỷ đồng, trong khi năm trước báo lãi hơn 22 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên VIP thua lỗ kể từ quý I/2014.
Trượt dài trong thua lỗ
CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại (HNX: TJC), CTCP Vận tải Hoá Dầu VP (UPCoM: VPA), CTCP Hàng Hải Đông Đô (UPCoM: DDM), CTCP Vận tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS), CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) là những doanh nghiệp tiếp tục lỗ trong quý I/2019. Kinh doanh dưới giá vốn là nguyên chính báo lỗ của những doanh nghiệp này.
Doanh thu thuần mà VST ghi nhận quý này gần 123 tỷ đồng, giảm 15% so cùng kỳ năm trước, do sự sụt giảm cước vận tải và không có doanh thu từ tàu VTC Ocean. Giá vốn hàng bán của VST lại được cải thiện, giảm 22% chỉ chiếm 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số giá vốn chiếm đến 159 tỷ đồng.
Các khoản mục chi phí liên quan đến khai thác tàu đều giảm mạnh, phần lớn nhờ vào việc Công ty thay đổi phương thức khai thác tàu, mang lại hiệu quả cao hơn so với những năm trước đây. Dù vậy, Công ty lỗ hơn 69 tỷ đồng và hiện đang lỗ nhiều nhất trong các doanh nghiệp vận tải biển, kéo theo lỗ lũy kế tại này 31/03/2019 chạm mốc 1.850 tỷ đồng.
Cũng không khác VST cho lắm, VOS có giá trị lỗ gần 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 30 tỷ đồng. Trong quý này, đội tàu VOS giảm 2 tàu (Vĩnh Thuận, Vĩnh An) dẫn đến doanh thu giảm, để cải thiện hiệu quả kinh doanh, Công ty tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp như tích cực tìm kiếm và thuê tàu ngoài để khai thác, kiểm soát chặt chẽ chi phí.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân chính làm VOS ghi nhận lỗ là thị trường vận tải biển sụt giảm sâu, nhất là đối với tàu hàng khô khi chỉ số BDI xuống thấp nhất còn 595 điểm vào ngày 11/02, chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ. từ nửa quý I/2019, thị trường vận tải dầu sản phẩm cũng sụt giảm trên tất cả các phân khúc với mức giảm từ 15% đến 30% so với đầu quý. Giá nhiên liệu thì tăng mạnh, giá FO tiêu thụ bình quân tăng 18%, DO tăng 13% ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác tàu.
Điểm chung nữa là các cổ phiếu nhóm này có thị giá khá thấp, chỉ bằng phân nửa mệnh giá, đơn cử như cổ phiếu VST chỉ có giá 700 đồng/cp, thanh khoản nhóm cổ phiếu này cũng khá bèo, èo uột.