"Đũa thần" FTA đưa xuất khẩu cá tra thăng hoa

VNE | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 03 Tháng Năm 2019 16:49:00

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho thấy, trong 2 năm trở lại đây, xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường ASEAN có nhiều tăng trưởng tích cực.

Năm 2018, xuất khẩu cá tra sang ASEAN đạt 202,6 triệu USD, tăng 41,5%. Trong đó, 3 thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất là: Thái Lan tăng 48,8%; Singapore tăng 20,7% và Philippines tăng 32,1%. 

Năm 2018, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và EU.

3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng đạt 55,17 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó 3 thị trường lớn nhất là Thái Lan, Philippines và Malaysia tăng trưởng tốt. 

Tính đến hết tháng 3/2019, xuất khẩu cá tra sang ASEAN đạt 55,17 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá trị xuất khẩu sang Thái Lan tăng 6,5%; Philippines tăng 40,6% và Malaysia tăng 70,9%. 

Trong thời gian này, xuất khẩu cá tra sang Malaysia tăng một cách đáng chú ý, riêng trong tháng 3/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Malaysia đạt 5,51 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thị trường đáng lưu tâm đầu năm nay tại khu vực ASEAN.

"ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng của cá tra Việt Nam trong nhiều năm qua. Nếu hai năm trước, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tìm thấy nhiều cơ hội xuất khẩu ở một thị trường đơn lẻ Thái Lan, thì trong năm 2018 và 2019, các nhà xuất khẩu bắt đầu đẩy mạnh sang Phillipines, Singapore và Malaysia. Mức tăng trưởng dương này phản ánh những Hiệp định thương mại trong khu vực, trong đó có Hiệp định ATIGA bắt đầu phát huy kết quả", VASEP nhận định. 

Năm 2009, Hiệp định ATIGA đã được ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 14 tại Thái Lan và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2010. Sau đó, 4 nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam) đã xóa bỏ khoảng 90% số dòng thuế vào 2015 và 97% vào 2018. 

Việc đưa 1.706 số dòng thuế cắt giảm xuống 0% vào 2015 sẽ tác động đến việc gia tăng kim ngạch nhập khẩu và xu hướng dịch chuyển nhập khẩu tăng từ các nước ASEAN so với các đối tác khác, trong khi kim ngạch xuất khẩu không có nhiều cơ hội gia tăng đột biến dưới tác động của tự do hóa thuế quan do các nước ASEAN 6 đã cắt giảm hoàn toàn thuế quan dành cho Việt Nam xuống 0% từ năm 2010.

Hiện nay, thuế đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh đang ở mức 0% theo ASEAN (ATIGA); ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA). 

VASEP cho biết nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều nước trong khu vực đang tăng và ổn định. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra trong thời gian tới khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, ngành hàng cá tra phấn đấu đạt sản lượng 1,51 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD.

Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định và bền vững trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ Nông nghiệp lưu ý các địa phương, doanh nghiệp, người nuôi cá tra cần tuân thủ quy định liên quan đến quản lý ngành cá tra, đặc biệt là việc kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và sản phẩm được kiểm soát tốt. Những công nghệ mới nhất cần được ứng dụng vào ngành hàng cá tra, trong đó, giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra.

Bạch Huệ