Xử lý nợ xấu - Cần một hành lang pháp lý mở

Thời báo ngân hàng | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 15 Tháng Sáu 2015 09:50:00

Nợ xấu đang là vấn đề được dư luận quan tâm trong suốt thời gian qua. Mặc dù, hệ thống NH đã vào cuộc tích cực và đạt kết quả khá khả quan

Tuy nhiên, muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả thì không thể trông chờ vào nỗ lực riêng của ngành NH mà còn cần sự tham gia tích cực của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là liên quan đến hành lang pháp lý xử lý tài sản bảo đảm... 
 
Dưới đây là một số kiến giải của các chuyên gia được ghi lại tại Hội thảo “Giảm trừ và giải quyết nợ xấu 2015 dưới góc nhìn pháp lý” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam TS. Trần Thị Hồng Hạnh: Nâng cao tính hiệu lực trong thực thi pháp luật

Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của TCTD, các quy định pháp luật có liên quan đến giao dịch bảo đảm, hoạt động tín dụng, xử lý nợ của TCTD cần phải được nghiên cứu, rà soát tổng thể để bổ sung chỉnh sửa theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao tính hiệu lực trong thực thi pháp luật.

Cụ thể, tôi đề nghị Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn Toà án các cấp giải quyết vụ án trong trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba khi DN bị yêu cầu tuyên bố phá sản...

 Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 163/2006/NĐ-CP theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công an trong việc hỗ trợ TCTD thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Ngành liên quan sớm ban hành thủ tục liên thông giữa công chứng đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản để rút ngắn thời gian xử lý tài sản bảo đảm của TCTD. Về phía Bộ Tài chính, tôi đề nghị quy định miễn thuế giá trị gia tăng trong trường hợp bên bảo đảm hoặc TCTD bán tài sản bảo đảm mà không thu đủ tiền nợ gốc và lãi tiền vay.

Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NH Nguyễn Hữu Nghĩa: Xử lý nợ xấu bằng mọi cách không bằng mọi giá

Việt Nam phải xử lý nợ xấu trong hoàn cảnh đặc biệt khi nguồn lực tài chính không có. Đó là một hạn chế rất lớn trong khi theo thông lệ quốc tế, nói đến xử lý nợ xấu của nền kinh tế phải nói đến sự can thiệp tài chính của Chính phủ.

Đã thế, khung khổ thể chế pháp lý lại còn hạn chế. Vì thế phải tìm mô hình đặc thù với hoàn cảnh. Bên cạnh các giải pháp tự xử lý của TCTD qua trích lập DPRR, thì việc thành lập VAMC là những biện pháp được đánh giá giúp giảm nhanh nợ xấu.

Tuy nhiên, quan điểm rõ ràng của NHNN khi xây dựng đề án xử lý nợ xấu là quyết liệt xử lý nợ xấu bằng mọi cách chứ không bằng mọi giá. Liệu chúng ta có nên bán tống bán tháo, bán rẻ tài sản đảm bảo không... khi đấy chính là tài sản của DN. Nên phải hết sức bình tĩnh để xử lý nợ xấu, làm thế nào để vừa giữ được an toàn hoạt động NH, với một chi phí thấp nhất, đồng thời có thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn tiếp tục tăng trưởng.

Thời gian qua, NHNN đã áp dụng một số biện pháp xử lý mang tính chất hành chính bắt buộc đối với các TCTD như: trích lập DPRR đầy đủ, tiết kiệm các khoản chi phí, hạn chế chia cổ tức để tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, việc sử dụng DPRR, VAMC... chỉ là giải pháp tạm thời. Để xử lý dứt điểm nợ xấu, điều này đòi hỏi có sự phối hợp của các bộ ngành, chính quyền đại phương tham gia hết sức tích cực thì câu chuyện xử lý nợ xấu mới tháo gỡ được.

Bên cạnh đó, cần có hệ thống chính sách khuyến khích của Chính phủ để thu hút nguồn lực đầu tư của tư nhân, nước ngoài vào việc xử lý tài sản bảo đảm như: miễn giảm thuế thu nhập, phí liên quan chuyển nhượng tài sản, chuyển quyền sở hữu... Đây là điểm hết sức quan trọng để hút NĐT vào mua tải sản bảo đảm và xử lý nợ xấu.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng: Cần một hành lang pháp lý đủ mạnh

Từ khi được thành lập đến nay, VAMC đã mua được 161 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đã phát hành trái phiếu đặc biệt là 122 nghìn tỷ đồng. Trong tổng nợ xấu mua về, chúng tôi đã tiến hành phân loại ra.

Trong đó, Khối sản xuất chiếm trên 7,1%; Khối kinh doanh chiếm trên 25,8%; Khối bất động sản (BĐS) 67%. TSĐB cho các khoản nợ ấy chiếm phần lớn là BĐS. Khối lượng nợ xấu mà các TCTD gửi hồ sơ lên VAMC trong năm nay hiện đang tăng mạnh và đảm bảo sẽ đạt được theo mục tiêu đặt ra của NHNN.

Mục tiêu năm nay đưa nợ xấu về 3% là khả thi. Nhưng vấn đề đặt ra là từ năm 2016 trở đi - khi nợ xấu đã về 3% thì phải làm gì và làm như thế nào với khối lượng nợ xấu mua về. Bởi đến thời điểm hiện tại, VAMC mới thu nợ và phát mại tài sản được 8.600 tỷ, tức chỉ khoảng 5% trên tổng nợ xấu đã mua.

Tất nhiên trách nhiệm của VAMC không phải là giữ đống nợ xấu ở đó để “ngắm”, rồi 5 năm sau trả lại mà phải xử lý. Nhưng sẽ xử lý thế nào nếu không có một cơ chế pháp lý cho nó?.

Do đó, để giải quyết được quyết liệt, dứt điểm nợ xấu thì phải có một cơ chế, một hành lang pháp lý đủ mạnh mới làm được. Nghị định 34 sửa đổi bổ sung Nghị định 53 đã trao cho VAMC một số quyền rất mạnh trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ. Nhưng ở đây, để xử lý được nợ xấu một cách quyết liệt thì có thể lại trái hết với các luật dân sự hiện hành.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO: Ước lượng không dưới 70% rào cản XLNX là do các vướng mắc pháp lý

Vướng mắc lớn nhất, gây khó khăn cho việc XLNX chính là sự cản trở pháp lý. Đó là 4 nhóm cản trở: Cản trở pháp lý do xung đột pháp luật; Cản trở pháp lý do bất cập pháp luật; Cản trở pháp lý do áp dụng sai luật và Cản trở pháp lý do bất chấp pháp luật.

Để tháo gỡ các xung đột, vướng mắc trong một “rừng” luật hiện nay, cần phải có một đạo luật XLNX. Đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường.

Đó là, phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức là bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hóa trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý hệ quả pháp lý.

Nhóm PV