PVN có trích dự phòng cho 800 tỷ đồng tại OceanBank?

Thời báo kinh doanh | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 08 Tháng Sáu 2015 08:28:00

Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã bị “mất trắng” khoản đầu tư 800 tỷ đồng vào Ngân hàng OceanBank sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại. Nhưng theo Quyết định 51, nếu doanh nghiệp đã trích lập dự phòng rủi ro khoản này thì vốn vẫn xem là “an toàn”.

Bên lề cuộc họp báo ngày 5/6, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, việc mua lại OceanBank là biện pháp thực hiện tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Còn giám sát khoản đầu tư của PVN vào ngân hàng này có nhiều biện pháp, cũng giống như NHNN thực hiện “kiểm soát đặc biệt” một ngân hàng thương mại. Ngoài ra, còn nhiều quy trình giám sát khác nữa.

“Nói vấn đề giám sát vốn giao cho Bộ Tài chính, nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên của DN mới quyết định được, nên việc đầu tư đó ai quyết định thì phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư. Bộ Tài chính tổng hợp số liệu, còn cái mất vốn thì họ kiểm điểm riêng”- Ông Tiến giải thích cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả đầu tư vốn ngoài ngành của DNNN.

Cụ thể về trường hợp PVN đã đầu tư 20% vốn Oceanbank, tương ứng giá trị 800 tỷ đồng, nhưng nay bị mất trắng. Theo ông Tiến, nếu PVN đã mua bảo hiểm tiền gửi (khoản tiền gửi), trích lập dự phòng rủi ro (góp vốn cổ phần) thì lại được xem là an toàn.

Quyết định 51 đã quy định rõ rằng DN đã trích dự phòng rủi ro cho toàn bộ khoản đầu tư thì vốn này vẫn an toàn. Các DN đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro nên khi thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách vẫn bảo toàn được vốn nhà nước.

Cho đến giờ, sau khi NHNN tuyên bố mua lại Oceanbank, PVN vẫn chưa lên tiếng về việc mất khoản đầu tư 800 tỷ đồng tại Oceanbank? Hiện chưa rõ tập đoàn xử lý ra sao, đã trích dự phòng hay chưa?

Cũng theo ông Tiến, những khoản đầu tư ngoài ngành vào ngân hàng đã bị cấm. Theo Nghị định 09/2009 và Nghị định 71 của Chính phủ, những khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm phải dừng, không được đầu tư tiếp, gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ rủi ro... Còn DN đã đầu tư rồi sẽ phải thoái vốn trước ngày 31/12/2015.

Về xử lý trách nhiệm mất vốn nhà nước, đại diện Bộ Tài chính giải thích, việc kết luận có mất vốn nhà nước còn phải căn cứ vào tổng thể đầu tư vào DN có hiệu quả không, chứ không chỉ nhìn vào vì một khoản đầu tư thua lỗ. Có những khoản đầu tư khác vẫn có lãi, vẫn bảo toàn vốn. Nếu có mất vốn, sẽ xác định mức độ sai phạm để xử lý trách nhiệm cụ thể.

Thu Hằng