Biên lợi nhuận gộp của công ty tăng lên 21,9% so với mức 17,8% của quý I.2018.
Theo báo cáo tài chính quý I.2019, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun; HoSE: VNS) đạt doanh thu đạt 534 tỷ đồng, tăng tương ứng 9,2% so với cùng kỳ.
Trong thời gian qua, VNS thực hiện những thay đổi nhằm cạnh tranh với taxi công nghệ. Công ty đã tập trung đầu tư lại ứng dụng đặt xe, thông qua đó khách hàng có thể xem xét giá cước trước khi đặt, để đưa ra sự lựa chọn phù hợp. Ngoài ra, những thay đổi khác như chính sách thương quyền dành cho tài xế hay mô hình khoán xe cũng góp phần cải thiện tình hình kinh doanh của VNS.
Biên lợi nhuận gộp của công ty tăng lên 21,9% so với mức 17,8% của quý I/2018. Bên cạnh đó, thu nhập khác của VNS trong quý I.2019 đã ghi nhận khoản lãi lớn đến từ quảng cáo trên taxi đạt 14 tỷ đồng, tăng gấp gần lần so với cùng kỳ. Đồng thời, khoản thu từ thanh lý TSCĐ (thanh lý xe) giảm mạnh chỉ còn gần 6 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 với cùng kỳ quý I.2018.
Lợi nhuận sau thuế (LNST) quý I.2019 của VNS tăng mạnh gấp 3 lần so với cùng kỳ, từ mức 11,6 tỷ đồng lên 32 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp VNS duy trì được mức lợi nhuận sau thuế trên 30 tỷ đồng, sau khoảng thời gian lợi nhuận hàng quý của doanh nghiệp này xuống mức chỉ còn khoảng 11-12 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018.
Theo tài liệu đại hội cổ đông năm 2019, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu và LNST lần lượt đạt 2.230 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch này, VNS sẽ chấm dứt chuỗi tăng trưởng âm 4 năm liên tiếp. Năm ngoái, VNS đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 2.073 tỷ đồng và 89 tỷ đồng.
Vấn đề nổi bật cộm nhất của ngành taxi năm 2018 là vụ kiện giữa VNS và Grab. Theo đó, ban lãnh đạo VNS cho rằng Grab đã tận dụng việc Bộ Giao thông Vận tải ban hành quyết định 24 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” để thực hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây rối loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu và lợi nhuận cho Vinasun, vì vậy Vinasun đòi bồi thường thiệt hại gần 41,2 tỷ đồng và đề nghị xem xét lại bản chất định danh hoạt động của Grab.
TAND TP.HCM đã chính thức ra phán quyết vào ngày 28/12/2018. Dựa theo Nghị định 86 và Đề án 24, Grab đã vi phạm khi chỉ được cung cấp công nghệ nhưng lại kinh doanh vận tải taxi. Tuy nhiên, khi xem xét khoản bồi thường hơn 41 tỷ đồng do VNS yêu cầu, HĐXX chỉ chấp nhận Grab sẽ phải bồi thường cho VNS một khoản tiền là 4,8 tỷ đồng.
Từ những vấn đề trên, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan dã dự thảo Nghị định 86/2014 NĐ – CP sửa đổi gần nhất đã nêu rõ yêu cầu dành cho loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là xe phải có treo hộp đèn với chữ “xe hợp đồng”.