Mía ngọt nhưng người trồng mía lại nếm vị đắng. Đó là câu chuyện trồng mía nhưng phải bán bò để trả nợ của nhiều nông dân ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đang khiến nhiều người chạnh lòng.
Vụ mía năm 2018-2019, nông dân Sông Hinh trồng hơn 5.000ha. Do thời tiết bất lợi, sâu bệnh nhiều, mía cho năng suất thấp, giá mía cũng chỉ 750 đồng/kg, khiến nông dân thua lỗ khoảng 20 triệu đồng/ha. Nhiều hộ sau khi bán mía phải bán thêm 1 con bò 10 triệu đồng để trả nợ vật tư, nợ vay, công thu hoạch…
Tương tự là nông dân trồng mía ở ĐBSCL đang thu hoạch cuối vụ 2019. Do giá mía xuống thấp, chỉ 400-500 đồng/kg, hầu hết thua lỗ hơn 20 triệu đồng/ha. Nhiều hộ phá bỏ ruộng mía, rời quê lên Bình Dương làm thuê, kiếm tiền trả nợ.
Lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2018-2019, sản lượng mía cả nước ước đạt 14 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước, nhưng tương đương với niên vụ 2015-2016.
Tính đến hết tháng 3-2019, toàn bộ 36 nhà máy đường trong cả nước vào vụ sản xuất, trong khi tình hình tiêu thụ mặt hàng đường rất chậm, đã khiến sản phẩm tồn kho ngày càng nhiều. Hiện giá đường xuống rất thấp chỉ khoảng 10.500 đồng/kg, vẫn khó bán. Các nhà máy lý giải, giá đường thấp do ảnh hưởng của việc tồn kho lớn từ vụ trước, cộng với tình trạng buôn lậu đường phức tạp, khiến đường nội địa không thể cạnh tranh.
Trước việc ngành mía đường đang gặp muôn vàn khó khăn bởi giá đường thấp nhất trong vòng 20 năm qua, lãnh đạo VSSA kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành chức năng những giải pháp cấp bách cứu ngành mía đường. Theo đó, tái cơ cấu lại ngành mía đường theo hướng giảm mạnh chi phí sản xuất, giảm giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lãi; nỗ lực hạ giá thành sản xuất đường ở mức 10.000 đồng/kg trở xuống, nhằm tăng tính cạnh tranh.
Các nhà chuyên môn cho rằng, hạn chế của ngành mía đường là chậm đổi mới, chậm thích ứng với tình huống, việc sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ nên khó áp dụng cơ giới hóa. Chính vì vậy, ngành mía đường cần mạnh dạn thay máu, chủ động ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành ở nhiều khâu; đồng thời nâng giá trị trên các nhóm sản phẩm làm ra từ cây mía; mạnh mẽ thay đổi cơ cấu giống phù hợp với điều kiện từng vùng, xây dựng hệ thống canh tác hiệu quả, tăng năng suất, tăng chất lượng.
Theo đề án phát triển ngành mía đường đến năm 2020 và định hướng năm 2030, được Bộ NN-PTNT phê duyệt vào tháng 4-2018, phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất mía ổn định 300.000ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn. Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích mía, nhưng tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2,5 triệu tấn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương xây dựng những vùng mía nguyên liệu tập trung, phù hợp với công suất chế biến của các nhà máy đường; thực hiện cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía với doanh nghiệp sản xuất đường.
Mục tiêu là vậy, tuy nhiên gần đây ngành mía đường lâm vào khủng hoảng khiến hàng loạt nông dân ở ĐBSCL và các nơi khác phá bỏ ruộng mía do giá quá thấp; trong khi nhiều nhà máy đường cũng điêu đứng vì hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Tại ĐBSCL, không ít lãnh đạo các nhà máy đường từng hàng chục năm gắn bó trong ngành, nay cũng rời bỏ mía đường để chuyển sang lĩnh vực khác.
Huỳnh Lợi