Mặc dù làn sóng du lịch đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây góp phần làm tăng doanh thu cho các hãng hàng không cùng doanh nghiệp phụ trợ nhưng rủi ro về tỷ giá và giá nhiên liệu tăng đã khiến cổ phiếu ngành này đi ngược kỳ vọng.
Hiện nay, trên sàn chứng khoán đang có 11 cổ phiếu ngành hàng không được giao dịch, tuy nhiên nổi trội nhất là Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN), CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã: VJC).
Mới đây nhất là sự góp mặt của hãng hàng không mới Bamboo Airways, dù không niêm yết trên sàn nhưng Bamboo Airways lại do CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC) sở hữu 100% vốn.
Mã giảm áp đảo
Tính chung từ đầu năm 2019 tới nay, diễn biến của thị trường chứng khoán tương đối ổn định, các chỉ số thị trường cũng đã ghi nhận được mức tăng tương đối trước đà tăng giá của nhiều cổ phiếu các nhóm ngành.
Cổ phiếu ngành hàng không cũng không nằm ngoài xu hướng. Tuy nhiên, bên cạnh những mã tăng giá thì vẫn có những mã cổ phiếu giảm giá, thậm chí giảm sâu.
Trong hơn 3 tháng đầu năm 2019, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giao dịch khá tích cực khi tăng mạnh từ 33.000 đồng/cp, lên 40.200 đồng/ cp (phiên 18/4), tương đương 22%.
Hỗ trợ đà tăng của HVN trong thời gian qua là thông tin chuyển sàn niêm yết từ UPCoM sang HoSE nhằm tăng tính minh bạch thông tin, đồng thời chuẩn bị cho quá trình thoái vốn nhà nước trong thời gian tới.
Mới đây, HoSE đã có quyết định chấp thuận niêm yết cho hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN với giá 10.000 đồng/cp. Ngày chính thức giao dịch chưa được công bố, nhưng thông tin này đã đẩy cổ HVN bứt phá trong những phiên gần đây.
Cũng ghi nhận diễn biến tích cực, cổ phiếu AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco đã tăng hơn 10% trong hơn 3 tháng vừa qua từ mức giá 67.730 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên 74.600 đồng/cp.
Trong năm 2018, dù là "tân binh" nhưng AST là "tân binh" đã chứng tỏ được sự khác biệt so với các cổ phiếu khác trên sàn trong nhóm dịch vụ hàng không bởi là cổ phiếu duy nhất tăng giá (tăng hơn 58%) trong khi hầu hết các cái tên còn lại đều đồng loạt giảm với mức giảm từ 2% tới 47%.
Cũng là một trong hai hãng hàng không lớn nhất hiện nay, nhưng cổ phiếu VJC của Vietjet đang trong đà giảm giá trong suốt những tháng đầu năm 2019 từ mức giá 120.000 đồng/cp xuống 114.000 đồng/cp (phiên 18/4), tương đương 5,3%.
Ngay cả "ông lớn" ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP cũng giảm từ 90.000 đồng/cp xuống còn 82.800 đồng/cp (8%).
Tình trạng "lao dốc" thê thảm nhất phải kể đến là cổ phiếu ARM của CTCP xuất nhập khẩu hàng không (Arimex) với mức giảm 43,6% từ 70.000 đồng/cp xuống 39.500 đồng/cp với thanh khoản "èo uột" 40 đơn vị/ phiên (tính theo 10 phiên gần nhất).
Ngoài ra, cổ phiếu FLC (đại diện cho Bamboo Airways), NCS (CTCP suất ăn Nội Bài), NCT (CTCP dịch vụ hàng hóa Nội Bài), SAS (công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất)… cũng đều ghi nhận mức giảm.
Dài hạn vẫn sáng
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ đạt 7,2 tỷ lượt, tức là tăng gần gấp 2 lần so với mức 3,8 tỷ lượt trong năm 2016. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 thị trường có số lượt khách tăng trưởng nhanh nhất bên cạnh Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia…
Theo các chuyên gia, ngành hàng không Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển nhờ sự hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Nhận thức rõ được cơ hội, các doanh nghiệp hàng không cũng đã vạch ra những chiến lược kinh doanh đồng bộ trên các lĩnh vực hoạt động.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng không cũng vẫn phải đối mặt với các rủi ro như tỷ giá đối với các doanh nghiệp thâm dụng vốn như ACV, Vietnam Airlines, Vietjet bởi các khoản vay và chi phí bằng ngoại tệ.
Bên cạnh đó là rủi ro về giá nhiên liệu tăng, giá dầu đã tăng mạnh từ đầu năm 2019, trong khi đó chi phí nhiên liệu chiếm 35-40% chi phí hoạt động của các hãng hàng không. Ngoài ra, tính chu kỳ cũng là một rủi ro mà các doanh nghiệp nhóm này phải đối mặt.
Thế nhưng, trên thị trường chứng khoán, khó khăn có thể tạo ra cơ hội mua vì triển vọng dài hạn của ngành vẫn tích cực nhờ dân số trẻ, thu nhập tăng và ngành du lịch hấp dẫn. Thực tế, giá nhiên liệu hay tỷ giá tăng thì phí hàng không cũng tăng tương tự.
Ngoài các điều kiện thuận lợi của toàn ngành, mỗi doanh nghiệp đều có những câu chuyện riêng góp phần hỗ trợ đưa nhóm cổ phiếu hàng không tiến tới nhóm cổ phiếu có dư địa tăng trưởng cao trong năm 2019.
Theo nhận định của CTCK KIS, hoạt động cốt lõi của Vietjet có thể đạt tổng doanh thu thuần 47.316 tỷ đồng (tăng 31%) và lợi nhuận sau thuế 2.363 tỷ đồng (tăng 11%), mức giá dự kiến mà VJC có thể đạt được lên tới 162.800 đồng/cp.
Về dài hạn, Vietnam Airlines được cho là sẽ hưởng lợi từ vị thế thị trường với thị phần 30- 80% trên các tuyến bay có tỷ suất sinh lời cao nhất trong nước và quốc tế. Theo đó, dù bị tác động tiêu cực bởi giá dầu nhưng cổ phiếu HVN sẽ lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng tương đương tốc độ tăng trưởng toàn ngành.
Thực tế những gì đang diễn ra trên sàn chứng khoán của HVN đang chứng tỏ những nhận định nói trên có phần đúng đắn.
Hay với vị thế độc quyền quản lý, vận hành và khai thác tất cả 22 sân bay trong cả nước cùng với câu chuyện thoái vốn, khả năng tăng giá của cổ phiếu ACV cũng còn khá cao.