Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc có nên quy định lãi suất cơ bản hay không

Thời báo ngân hàng | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 20 Tháng Năm 2015 09:16:00

Sáng nay (20/5/2015), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII chính thức khai mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo như thông lệ hàng năm, đây là kỳ họp đầu năm nên kỳ họp này chủ yếu bàn về các vấn đề liên quan đến lập pháp. Đây là một trong những kỳ họp có khối lượng thông qua và cho ý kiến luật rất lớn, trong đó thông qua 11 dự án và tiếp tục cho ý kiến 15 dự án luật, ngoài ra là các báo cáo liên quan đến kinh tế xã hội, NSNN 6 tháng đầu năm, một số nội dung liên quan đến cả năm và chuẩn bị công việc nghe báo cáo phát triển kinh tế 5 năm.

Một trong những vấn đề đang được quan tâm tại Bộ luật Dân sự (sửa đổi) liên quan đến việc nên hay không nên quy định lãi suất cơ bản. Việc này đã được thảo luận qua các kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vậy các ý kiến đến nay như thế nào, thưa ông?

Nội dung này cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đang bàn. Bên toà án rất muốn có lãi suất cơ bản để có căn cứ để làm căn cứ xét xử xem có vi phạm hay không vi phạm tội cho vay nặng lãi. Nhưng bên ngân hàng thì cho rằng, lãi suất cơ bản này không giải quyết vấn đề gì trong điều hành chính sách tiền tệ. Cũng có ý kiến cho rằng, nên lấy bình quân lãi suất của ba hệ thống ngân hàng lớn, trung bình và nhỏ để xác định lãi suất cơ sở, làm cơ sở để xác định tội danh này...

Tuy nhiên, với tư cách đại biểu Quốc hội tôi nghĩ rằng nên có một căn cứ nào đó để quy định hành vi cho vay nặng lãi, vì nếu không có thì biết làm sao mà xét xử, làm sao để biết vi phạm...

Trước thềm kỳ họp thứ 9, nhiều cử tri, đặc biệt là công nhân đề xuất sửa đổi Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội dù luật này chưa đi vào cuộc sống. Vậy ông nghĩ thế nào về công tác xây dựng pháp luật hiện nay?

Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội đến nay chưa đến thời điểm có hiệu lực (1/1/2016), Chính phủ cũng chưa có nghị định nào hướng dẫn điều này. Vừa qua công tác tuyên truyền của chúng ta cũng còn hạn chế nên chắc chắn người lao động chưa hiểu hết được ý nghĩa và tính nhân văn của Điều 60 này.

Luật Bảo hiểm xã hội mong muốn người công nhân sau khi hết tuổi lao động, họ cần nghỉ ngơi, có lương hưu thì điều này hết sức nhân văn. Điều này cũng là theo thông lệ quốc tế. Hưởng bảo hiểm 1 lần có nghĩa là nếu cứ sau 1 năm tham gia Bảo hiểm xã hội lại rút tiền ra thì không còn ý nghĩa gì cả.

Tôi cho rằng chúng ta đang phát động bảo hiểm toàn dân thì người công nhân có quyền không làm chỗ này hay chỗ khác thì vẫn đảm bảo việc tham gia bảo hiểm xã hội để có lương khi hết tuổi lao động. Điều đó rất tốt cho người lao động khi hết tuổi làm việc mà vẫn có đồng lương hưu.

Vừa rồi có một số công nhân đề nghị muốn được bảo hiểm một lần. Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến này. Hiện chúng tôi cũng nhận được văn bản của Chính phủ báo cáo đề nghị sửa điều 60 và Uỷ ban Các vấn đề xã hội cũng sẽ có báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này, còn việc sửa hay không là quyền của Quốc hội.   

Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì sau khi Chính phủ có văn bản đề nghị sửa thì Quốc hội sẽ xem xét. Khi xem xét sẽ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa. Còn việc có sửa kỳ này hay không thì phải đảm bảo đúng quy trình.

 Xin trân trọng cảm ơn ông

Trần Hương