Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành du lịch được đánh giá là tương đối an toàn, đặc biệt đối với nhà đầu tư dài hạn với mức trả cổ tức cao đều đặn. Tuy nhiên, cơ hội vẫn có thể đến với các nhà đầu tư ngắn hạn bởi tính "mùa vụ" của nhóm cổ phiếu này.
Sở dĩ cổ phiếu ngành du lịch có tính "mùa vụ" là bởi mùa hè luôn là giai đoạn cao điểm của du lịch, đem về doanh thu lớn nhất cho các công ty du lịch, lữ hành; từ đó kỳ vọng tác động đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Theo thống kê, hiện đang có 19 doanh nghiệp trong ngành du lịch hiện đang niêm yết trên cả sàn chính thức và không chính thức.
Du lịch vào mùa
Trong những năm gần đây, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng đang tăng cao, lượng khách du lịch cũng tăng đáng kể bởi hạ tầng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ngày càng phát triển, hàng loạt khu nghỉ dưỡng chất lượng đang được đầu tư dàn trải khắp cả nước.
Du lịch đang là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với đóng góp khoảng 8,2% GDP và tạo ra 620.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2018.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng trung bình 27,5% cho giai đoạn 2015 – 2017. Dự báo đến năm 2025, ngành du lịch sẽ đóng góp 11,6% GDP và tạo ra 1.472.000 tỷ đồng doanh thu.
Theo thói quen của người Việt Nam, thời điểm mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8) sẽ là mùa cao điểm để các gia đình đi du lịch, nghỉ dưỡng. Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các công ty du lịch đã lên chương trình cho các tour du lịch chào hè với nhiều khuyến mãi hấp dẫn.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một công ty du lịch, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược riêng nhằm hút khách dịp cao điểm này, cạnh tranh là rất lớn nên doanh nghiệp nào đưa ra tuyến tour hợp lý, giá và dịch vụ chất lượng tốt sẽ dành lợi thế.
Tại giai đoạn này, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng thường nhận những mức doanh thu và lợi nhuận khá tốt có thể kể đến như CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (mã: TCT).
Cụ thể, nhờ kết quả kinh doanh tốt trong mùa du lịch mà trong 9 tháng năm 2018, công ty đã ghi nhận 93,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 28% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Hay như CTCP Công viên nước Đầm Sen (mã: DSN), tính tới cuối quý III/2018, tổng doanh thu của công ty đạt 190,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 108,1 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành lần lượt gần 90% và 93% kế hoạch kinh doanh năm.
Kết thúc năm 2018, Công viên nước Đầm Sen đạt 216,6 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 10% so với năm trước đó và vượt 8% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 95,7 tỷ đồng.
Với kết quả đã đạt được, công ty quyết định dành hơn 78,5 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ chi trả 65%.
Cổ phiếu hưởng lợi?
Trước thị trường kinh doanh thuận lợi của các doanh nghiệp trong mùa du lịch, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm ngành này cũng đã phát huy được tính "mùa vụ" vốn có.
Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 2018, cổ phiếu VNG của CTCP Du lịch Thành Thành Công đã ghi nhận mức tăng 30,1% từ mức giá 13.280 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên 17.280 đồng/cp.
Một cổ phiếu du lịch khác là HOT của CTCP Du lịch Dịch vụ Hội An đã có 10 phiên tăng giá liên tiếp trong tháng 5/2018, trong đó có tới 8 phiên tăng trần từ mức giá 28.280 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên mức đỉnh 57.000 đồng/cp.
Cổ phiếu này sau đó đã suy giảm theo đà chung của thị trường về mức giá 26.000 đồng/ cp, nhưng cũng nhanh chóng tăng lên mức trên 31.000 đồng/cp trong "mùa du lịch", hiện đang giao dịch tại mức giá 35.000 đồng/cp.
Dù không được xếp là nhóm ngành du lịch, nhưng hoạt động của CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (mã: SKG) gắn liền với các hoạt động du lịch tại khu vực Phú Quốc, Kiên Giang.
Theo đó, cổ phiếu này cũng được hưởng lợi trong giai đoạn mùa du lịch với đà tăng mạnh từ 19.440 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi đầu tháng 5/2018 lên 24.800 đồng/ cp (giữa tháng 9/2018), tương đương mức tăng đạt 27,6%.
Nhìn chung, triển vọng "thời vụ" của nhóm cổ phiếu ngành du lịch là không thể phủ nhận nhưng nếu xét về cả quá trình phát triển, nhóm cổ phiếu này vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư bất chấp kết quả kinh doanh tốt cùng lịch sử chia cổ tức cao.
Nguyên nhân có thể đến từ việc những cổ phiếu niêm yết trên sàn đều là của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp lớn nhất trong ngành như SaigonTourist, Hanoitourist, Vietravel… thì chưa IPO và cũng chưa đưa ra kế hoạch niêm yết trên sàn.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này có sự cô đặc, lượng cổ phiếu giao dịch nhỏ giọt, khiến thanh khoản trên sàn chứng khoán "đìu hiu". Các doanh nghiệp hoạt động mảng đặc thù như Cáp treo Núi Bà Tây Ninh hay Công viên nước Đầm Sen thì lại thu hút chủ yếu các nhà đầu tư dài hạn bởi tâm lý giữ cổ phiếu chờ cổ tức.
Nhiều ý kiến cho rằng để dòng tiền thực sự chú đến nhóm cổ phiếu du lịch, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, cần có những tên tuổi đủ lớn.
Từ đó, với những tiềm năng thiên nhiên ưu đãi sẵn có cùng với dư địa đầu tư phát triển của ngành lớn thì cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch đã niêm yết cải thiện được thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán là rất nhiều.
Linh Đan