Ngành mía đường gặp khó

TBNH | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 17 Tháng Tư 2019 15:11:00

Thực tế tại vùng mía Khánh Hòa, Phú Yên cho thấy, nông hộ trồng mía rơi vào cảnh khó khăn do tác động của thời tiết và giá thị trường lao dốc.

Nông dân lao đao

Gần đây, ngành mía đường đối mặt với nhiều thách thức. Giá đường liên tục sụt giảm, khó tiêu thụ, áp lực cạnh tranh với đường ngoại, đường nhập lậu tăng mạnh... khiến người trồng mía và cả DN sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng nông dân chặt bỏ cây mía để chuyển sang các loại cây trồng khác. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2018/2019 là năm thứ 3 liên tiếp ngành mía đường chịu tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường. Nhiều nhà máy kinh doanh giảm sút, thua lỗ kéo dài từ nhiều vụ trước...

Thực tế tại vùng mía Khánh Hòa, Phú Yên cho thấy, nông hộ trồng mía rơi vào cảnh khó khăn do tác động của thời tiết và giá thị trường lao dốc. Ông Nguyễn Tấn Nhựt, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chia sẻ, nông dân trồng mía liên tục đối mặt với nhiều thách thức. Bắt đầu từ việc ảnh hưởng của thiên tai năm 2017, hàng loạt diện tích mía của nông dân bị ngã đổ, dẫn đến năng suất đạt thấp. Niên vụ 2017 - 2018, sản lượng mía giảm đến 20 - 30%.

Tiếp đến, liên tục từ đó đến nay, giá đường thị trường biến động giảm, dẫn đến giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy giảm theo. Từ 1,1 - 1,2 triệu đồng tấn mía trong niên vụ 2016 - 2017, đến niên vụ 2018 - 2019 chỉ còn 800 - 900 ngàn đồng mỗi tấn. Khiến nông dân trồng mía thiệt đơn thiệt kép…

Theo ông Nhựt, nhiều nông dân tính đến chuyện phải chuyển đổi cây trồng để giảm rủi ro, cải thiện thu nhập.

Cây mía đã từng giúp nhiều gia đình ở xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) thoát nghèo. Nhưng theo bà Ngô Thị Đến, một nông hộ trồng mía lâu năm tại địa phương, nếu giá mía cứ tiếp tục thấp như gần đây thì chắc chắn khiến cho các nông dân lâm vào cảnh nợ nần, vì thua lỗ.

Tại tỉnh láng giềng của Khánh Hòa, là tỉnh Phú Yên, nông dân cũng rơi vào cảnh tương tự. Huyện Sông Hinh (Phú Yên) là vùng nguyên liệu của nhà máy đường Tuy Hòa, có diện tích trồng mía khoảng 5.000ha. Đây là diện tích mà nông dân đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, sau khi thu hoạch niên vụ 2018-2019, có đến khoảng 50% diện tích mía bị nông dân phá bỏ để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp thua lỗ

Không những người trồng mía gặp khó, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực mía đường cũng rơi vào cảnh thua lỗ kéo dài. Theo VSSA, đến tháng 3/2019, cả nước có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được khoảng 8 triệu tấn mía, cho ra 750 ngàn tấn đường các loại. Khoảng 150 ngàn tấn đường được tinh luyện từ nguyên liệu đường thô nhập khẩu.

Hiện thị trường tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho từ vụ trước nhiều. Giá đường dù có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg. Trong khi đó, sản lượng mía đang giảm mạnh, nhất là ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Năng suất, sản lượng mía, sản lượng đường khu vực này giảm tương ứng 13%, 22% và 23%.

Theo VSSA, sản lượng mía niên vụ 2018-2019 chỉ khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và chỉ tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017. Hiện nhiều nhà máy đối mặt với nhiều thách thức, có nguy cơ bị thua lỗ nặng, có thể dẫn đến đóng cửa do liên tục trong 3 vụ kinh doanh, tiêu thụ khó khăn và giá đường thấp. Ngành mía đường tiếp tục đối diện với khó khăn khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ đầu năm 2020 (thuế nhập khẩu đường trong khu vực về 0%).

Để cứu ngành đường, VSSA kiến nghị cơ cấu lại giá mía nguyên liệu, theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy với nông dân tỷ lệ 70/30. Nghĩa là, giá một tấn mía nguyên liệu phải tương đương 70kg đường, với giá đường chưa có thuế VAT tại thời điểm ở cửa nhà máy. Đồng thời, VSSA cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đường lỏng.

Về phía chính quyền địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trần Hữu Thế, địa phương đã có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT có những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho DN chế biến mía đường và những hộ nông dân trồng mía.

UBND tỉnh Phú Yên đề xuất Chính phủ cần áp thuế nhập khẩu và quản lý, kiểm soát hàm lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn đối với các chất tạo ngọt được phép sử dụng thay thế sản phẩm đường trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Đồng thời, nâng giá mua điện từ các nhà máy điện đồng phát lên bằng giá điện sinh khối; đưa giá ethanol dùng phối trộn nhiên liệu sinh học vào quản lý như giá xăng dầu...

Chí Thiện