Cổ phiếu ngành đồ uống 'ăn theo' thời vụ

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 11 Tháng Tư 2019 08:17:00

Quý II và III là giai đoạn ngành đồ uống vào mùa kinh doanh. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sau vụ mùa bội thu với sức tiêu thụ lớn bởi thời tiết nắng nóng, các doanh nghiệp ngành đồ uống sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng vọt, cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng được dịp "ăn theo".

Trên thị trường chứng khoán hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực đồ uống như Vinamilk (mã: VNM), Habeco (BHN), Sabeco (SAB), Bia Thanh Hóa (THB), Bia Sài Gòn – Miền Tây (WSB), CTCP Vang Thăng Long (VTL) , VinaCafé Biên Hòa (VCF), Nước giải khát Chương Dương (SCD)…

Trong đó, SAB và VNM là hai "đại gia" trong danh sách vốn hóa lớn nhất thị trường, có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số Vn-Index.

Hậu thuẫn từ khối ngoại

Tại ĐHCĐ thường niên 2019 tổ chức mới đây của CTCP Nước giải khát Chương Dương có điểm đáng chú ý xung quanh động thái đưa thương hiệu Xá xị Chương Dương trở lại với sự hỗ trợ từ ThaiBev và Sabeco.

Trước đó, một đơn vị do ThaiBev sở hữu là F&N đã tham gia hỗ trợ cho công ty về mặt nhân sự với nhiều vị trí quan trọng. Hiện, đội ngũ nhân sự này đang xem xét mọi khía cạnh cần giải quyết ở công ty và trong thời gian tới, F&N cam kết tiếp tục tập trung hỗ trợ về bán hàng và phân phối…

Trước sự hậu thuận đến từ khối ngoại, công ty đặt kế hoạch sản lượng bán hàng năm 2019 tăng 7%, lên mức 25 triệu lít, tương ứng doanh thu bán hàng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 333 tỷ đồng và 10 tỷ đồng, tăng 20% và 84% so với thực hiện năm 2018.

Ngay sau khi những thông tin này được công bố, cổ phiếu SCD đã tăng kịch trần lên 23.750 đồng/cp (phiên 10/4), lấy lại những gì đã mất trong phiên 9/4. Tính từ đầu tháng 4, SCD đã tăng gần 10,5% từ mức giá 21.500 đồng/cp.

Hiện nay, cổ đông lớn nhất của Nước giải khát Chương Dương là Sabeco với tỷ lệ nắm giữ lên tới 65%, trong khi Sabeco lại đang được chi phối bởi công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty con gián tiếp của Thaibev) sau khi Bộ Công Thương thoái vốn hồi cuối năm 2017.

Mới đây, Sabeco gây xôn xao dư luận khi công bố dự thảo ĐHCĐ thường niên sắp tới với điểm đáng chú ý là việc tăng tỷ lệ chia cổ tức lên 50% bằng tiền mặt. Trước đó, vào tháng 10 và 11/2018, Sabeco đã chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng tỷ lệ 35%.

Kể từ khi Thaibev tham gia Sabeco, tỷ lệ cổ tức DN bắt đầu tăng mạnh 17% lên mức 35% trong năm 2017. Ngoài ra, những động thái về truyền thông quảng cáo đã nâng thị phần Sabeco tăng 1,8 điểm phần trăm giai đoạn từ tháng 7 – 12/2018, theo số liệu từ Nielsen.

Năm 2019, Sabeco kỳ vọng doanh thu đạt 38.871 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.717 tỷ đồng, tăng hơn 8% và 7% so với thực hiện năm 2018, trả cổ tức dự kiến ở mức 35%.

Cổ phiếu SAB hiện đang giao dịch tại mức giá 247.000 đồng/cp, không có nhiều biến động so với đầu năm 2019, tiếp tục giữ vai trò là nhân tố chính nâng đỡ thị trường bên cạnh VNM và nhóm cổ phiếu "họ Vin".

Trong khi đó, từ đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu THB của CTCP Bia Hà Nội – Thanh Hóa đã ghi nhận mức tăng ấn tượng từ dưới mệnh giá 8.400 đồng/cp lên 13.000 đồng/ cp, tương đương mức tăng gần 55%.

Được kỳ vọng sẽ "ăn theo" thời vụ nhưng không ít cổ phiếu trong ngành đồ uống lại đang dậm chân tại chỗ, ngược chiều với thị trường.

Rủi ro đua theo "sóng"

Điển hình như HLB của CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long dù có mức giá rất cao, 75.000 đồng/cp nhưng đã gần như không có giao dịch trong nhiều tháng gần đây.

Tương tự, cổ phiếu VTL của Vang Thăng Long cũng "mất hút" thanh khoản kể từ cuối năm 2018 tới nay, duy trì mức giá 30.000 đồng/cp, bất chấp dịp Tết là thời điểm đỉnh cao của sức tiêu thụ.

Có thể nói, thị trường nước giải khát Việt Nam là "miếng bánh ngon" so với nhiều thị trường khác, kéo theo sức ép hội nhập và cạnh tranh ngày càng lớn, DN trong nước đang dần mất thị phần trên sân nhà.

Có thể kể đến trường hợp của Habeco, năm 2018 ghi nhận năm thứ ba liên tiếp sụt giảm về lợi nhuận, với mức giảm 21% so với năm 2017.

Đây là kết quả kinh doanh đáng thất vọng bởi thị trường bia đang tăng trưởng khá tốt và Việt Nam nằm trong top 10 thị trường bia lớn nhất thế giới. Lý giải cho sự "giật lùi" này là xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển lên các phân khúc bia cao cấp hơn, ảnh hưởng đáng kể tới thị phần của Habeco.

Vì vậy, cổ phiếu BHN trên thị trường chứng khoán cũng không hấp dẫn được dòng tiền, với thanh khoản trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt 816 đơn vị/phiên, trong khi SAB là 26.601 đơn vị/phiên.

Kỳ vọng về "sóng" thời vụ sẽ tạo ra thuận lợi để các DN ngành đồ uống đạt được lợi nhuận cao là hoàn toàn chính đáng, nhưng việc "đua" theo các cổ phiếu với kỳ vọng này đang tiềm ẩn không ít rủi ro.

Nguyên nhân là "sóng" thời vụ mà nhà đầu tư kỳ vọng cũng dễ dàng bị "đè bẹp" khi kỳ vọng khác được nhen lên, hay việc quá mải mê với "đua sóng" khiến nhiều nhà đầu tư quên đi những yếu tố có tính quyết định nằm trong nội tại của DN.

Linh Đan