Trong khi sản xuất xi măng thắng lớn, xuất khẩu tăng vọt, các lĩnh vực vật liệu xây dựng khác lại đang chịu cảnh tồn kho lớn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nhận định về thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) hiện nay, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết chỉ thấy các doanh nghiệp (DN) ngành xi măng là đang cười tươi ở thị trường trong nước lẫn ngoài nước, giá bán xi măng thậm chí tăng gấp đôi so với năm 2017.
Xi măng thắng lớn
Theo ông Nam, ngành xi măng Việt đang được hưởng lợi từ chính sách về bảo vệ môi trường ở Trung Quốc. Nguồn cung của nước này mỗi năm vốn dĩ có hơn 2 tỷ tấn xi măng, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng hơn 90 triệu tấn, chưa bằng 1/20.
Tuy nhiên, nếu trước đây, Trung Quốc vừa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước vừa xuất khẩu (XK), thì vừa qua, riêng chính sách đóng cửa các nhà máy xi măng công suất nhỏ, gây ô nhiễm, tiêu hao năng lượng cao… đã làm giảm sản lượng khoảng 300 triệu tấn.
Điều này khiến cho Trung Quốc từ một quốc gia XK chuyển sang nhập khẩu xi măng. Vì vậy, dự báo năm 2019, các doanh nghiệp (DN) xi măng Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc có thể tăng hơn 30%, đạt hơn 30 triệu tấn, chưa kể XK sang châu Phi và các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trần Nam tại họp báo ở Tp.HCM hồi cuối tuần qua giới thiệu Triển lãm quốc tế Vietbuild 2019 (từ 11 – 15/4), chưa bao giờ lượng xi măng XK lại tăng mạnh đến như vậy, bằng tổng sản lượng xi măng của Thái Lan.
"Ngành VLXD trong bối cảnh hiện nay có lĩnh vực xi măng là thắng lớn. Với clinker cũng vậy, trước đây XK chỉ có mức giá 18 – 20 USD/tấn, nhưng hiện nay là trên 40 USD/tấn; còn xi măng rời, xi măng nghiền có giá XK cao hơn rất nhiều", ông Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoại trừ xi măng và clinker, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, các lĩnh vực khác của ngành VLXD còn đang tồn kho rất lớn, như gạch ốp lát, kính xây dựng, gạch, ngói… và đang có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt, thậm chí có nhiều dây chuyền sản xuất phải đóng cửa.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chủ DN trong ngành VLXD cho biết để thoát cảnh tồn kho thì bắt buộc phải đẩy mạnh hoạt động marketing, công tác thị trường nhằm cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu cạnh tranh bằng cách hạ giá là rất nguy hiểm trong bối cảnh giá điện vừa mới tăng 8,36%, đồng thời than đá, xăng dầu cũng tăng giá.
Đơn cử, lĩnh vực sản xuất gạch men được giới phân tích dự báo trong năm 2019 sẽ gặp khó khăn hơn do công suất của các DN liên tục được gia tăng đã tạo nên chênh lệch lớn về cung – cầu nội địa, gây sức ép lên giá. Tăng trưởng doanh thu của các DN sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng mở rộng công suất, linh hoạt trong sản xuất để có thể duy trì biên lợi nhuận tốt.
Nguy cơ đào thải
Từ nay đến năm 2020, năng lực sản xuất ngành gạch được cho là sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu ở các chủng loại gạch granite, ngói, gạch bán sứ. Xu hướng này phù hợp với chiến lược phát triển ngành VLXD là khuyến khích các DN đầu tư vào mở rộng sản xuất gạch granite để nâng công suất thêm 80 triệu m2, đạt 140 triệu m2 vào năm 2020.
Nguồn cung mới sẽ tăng áp lực cạnh tranh trong ngành gạch men. Theo đó, các DN gạch công suất lớn, có thương hiệu có thể tranh thủ thời gian này để tăng cường chiếm lĩnh thị phần và độ nhận diện cho sản phẩm. Trong khi đó, các DN sản xuất nhỏ, sản phẩm không có nhiều khác biệt chắc chắn sẽ phải tìm hướng đi khác để tránh nguy cơ bị đào thải.
Điểm khả quan đáng ghi nhận là xu hướng tiêu dùng có sự dịch chuyển chú trọng yếu tố thẩm mỹ và chất lượng, ưu tiên sản phẩm nội địa. Trước năm 2010, thị trường gạch ốp lát Việt Nam đa phần là sân chơi của gạch nhập khẩu từ Trung Quốc (cạnh tranh về giá), Mỹ, Italia (cạnh tranh về chất lượng và mẫu mã), nhưng hiện nay, năng lực sản xuất của các DN nội đã đáp ứng được cả về yếu tố sản lượng, mẫu mã và chất lượng, vượt trội so với gạch ngoại nhập.
Mặt khác, gạch nhập khẩu đang bị áp thuế 15- 35% nên thị phần giảm chỉ còn 35% so với 80% trong năm 2010. Lợi thế cạnh tranh trong thời gian tới sẽ thuộc về những DN có khả năng linh hoạt sản xuất, mẫu mã, chất lượng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo lưu ý của ông Nguyễn Trần Nam, thị trường VLXD đang vào chu kỳ có sự cạnh tranh quyết liệt mà ở đó việc hạ giá là một thách thức lớn. Hơn nữa, những vấn đề đang tồn tại của thị trường bất động sản ở các thành phố lớn đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường VLXD.
Do khoảng thời gian dài sai phạm, "vượt rào" về đất đai tại một số thành phố lớn, giờ lại đang trong quá trình thanh kiểm tra, xử lý nên nhiều DN bất động sản có phần co cụm lại. Số dự án xây dựng bất động sản ở Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội được duyệt trong năm 2018 và sang năm 2019 rất ít, quy trình đợi phê duyệt xây dựng bị trì hoãn, kéo theo đó là đầu ra của ngành VLXD cũng sẽ khó khăn thêm.
Trước tình thế đầy áp lực như vậy, giới chuyên gia cho rằng để trụ vững, các nhà sản xuất VLXD trong nước phải đi theo con đường nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, mang lại tính khác biệt cho sản phẩm.
Thế Vinh