Cảng Quy Nhơn bất ngờ muốn tăng vốn: "Làm khó" tiến trình thu hồi cổ phiếu?

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 08 Tháng Tư 2019 09:04:00

Đề xuất tăng vốn của Cảng Quy Nhơn diễn ra trong thời điểm việc chuyển giao 75,01% vốn của công ty này từ nhà đầu tư cảng về Vinalines đang gặp vướng mắc.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu dừng kế hoạch tăng vốn điều lệ của Cảng Quy Nhơn (Bình Định) tại Đại hội cổ đông thường niên sẽ diễn ra vào ngày 10/4 tới đây, để không “gây khó” việc chuyển giao 75,1% vốn về cho Nhà nước.

Theo tài liệu công bố, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (dự kiến diễn ra vào ngày 10/4), Công ty CP Cảng Quy Nhơn sẽ tăng vốn điều lệ từ 404,09 tỷ đồng lên 538,79 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua.

Bên cạnh đó, HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn sẽ có tờ trình về việc phê chuẩn Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty và tờ trình về việc thực hiện đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được phê duyệt, cũng thực hiện trong năm 2019. Số tiền đầu tư mở rộng cảng được lấy từ phần tăng vốn điều lệ.

Đề xuất tăng vốn của Cảng Quy Nhơn diễn ra trong thời điểm việc chuyển giao 75,01% vốn của công ty này từ nhà đầu tư cảng (Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành) về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang gặp vướng mắc về việc xác định giá trị đầu tư hoàn trả cho nhà đầu tư.

Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng vốn sẽ làm phức tạp hơn việc tính toán vì nó pha loãng cổ phần. Bởi, nếu căn cứ theo tờ trình phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn sẽ tăng vốn lên 538,79 tỷ đồng và với 30.312.262 cổ phiếu phải thu hồi (tương đương 75,01% cổ phần Vinalines đã chuyển nhượng), tỷ lệ vốn nhà nước sau thu hồi chỉ đạt 56,25% vốn điều lệ sắp được điều chỉnh. Chiểu theo khoản 1, Điều 144, Luật Doanh nghiệp, phần vốn nắm giữ của Nhà nước sẽ không đảm bảo đủ tỷ lệ biểu quyết các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp. Điều này, tất nhiên là trái với Kết luận thanh tra số 1566 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng lại có ý kiến cho rằng hoàn toàn có thể lần theo dấu vết giao dịch để biết được giao dịch đến thời điểm nào, giao dịch bao nhiêu cổ phần, trị giá bao nhiêu tiền... và việc trả lại toàn bộ hay bao nhiêu phần trăm cổ phần hoàn toàn có thể xử lý được.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng Giám đốc Vinalines cho biết, nếu kế hoạch tăng vốn và đầu tư mở rộng cảng Quy Nhơn được Đại hội Cổ đông thông qua, chắc chắn việc Vinalines đàm phán với Công ty Khoáng sản Hợp Thành để thu hồi 75,01% cổ phần nhà nước tại cảng này theo kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Theo ông, hiện nay việc thu hồi 75,01 % CP cũng đang gặp vướng mắc do việc tính toán lợi ích của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cho rằng, kết luận Thanh tra phải đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư nên họ đưa ra cách tính không phù hợp nên Vinalines không chấp nhận.

Song lãnh đạo Cảng Quy Nhơn lại khẳng định rằng việc tăng vốn điều lệ là kế hoạch đã có từ trước đó và được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 nhằm thực hiện quy hoạch mở rộng cảng. Đây không phải để “làm khó” tiến trình chuyển giao 75,1% vốn về cho Nhà nước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó TGĐ thường trực Cảng Quy Nhơn, lẽ ra kế hoạch tăng vốn điều lệ để mở rộng Cảng Quy Nhơn theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Bình Định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2014, đã được thực hiện vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện bởi theo quy định thì cảng tổng hợp phải cách cảng xăng dầu tối thiểu 500m.

Trong khi đó, Cảng xăng dầu Petrolimex lại nằm ngay trong lòng Cảng Quy Nhơn, nên việc mở rộng cảng không thể thực hiện, chờ khi UBND tỉnh Bình Định di dời được cảng xăng dầu đi nơi khác và tiến hành cấp đất thì dự án mở rộng Cảng Quy Nhơn mới được triển khai.

Ông Phúc cho biết, hiện Cảng Quy Nhơn chỉ có 824m cầu cảng, trong khi lưu lượng hàng hóa thông qua cảng đến hơn 8 triệu tấn/năm thì Cảng Quy Nhơn đang bị quá tải gấp 3 lần.

Trước đó, vào tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Trong đó, đáng chú ý Bộ GTVT có hai văn bản cho Công ty Hợp Thành thỏa thuận trực tiếp khi chưa được Thủ tướng cho phép là trái thẩm quyền, vi phạm các văn bản pháp luật.

Tại cuộc họp báo quý I/2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết cuối tháng 2/2019, Bộ GTVT có văn bản hủy bỏ 2 văn bản do bộ này ban hành liên quan đến chuyển nhượng cổ phần QNP. Cụ thể, Bộ GTVT đã giao Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm việc với Công ty Hợp Thành, thống nhất nguyên tắc thu lại 75,01% cổ phần đã bán (tương đương 30.312.262 cổ phiếu).Về vấn đề có phải bồi thường cho nhà đầu tư khi Vinalines rút lại cổ phần hay không, ông Đông khẳng định Vinalines đang tiếp tục làm việc với Công ty Hợp Thành.

Linh Nga