Cứu nguy xuất khẩu nông sản - Mạnh dạn thay đổi

Đại đoàn kết | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 06 Tháng Tư 2015 10:24:00

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I-2015 có xu hướng giảm, đặc biệt là nhóm hàng nông lâm thủy sản với những mặt hàng thường xuyên đứng đầu top xuất khẩu hàng hóa như gạo, cà phê, cao su…

Theo nhận định của Thứ trưởng  Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong quý I đã làm Việt Nam "hụt thu” tới 500 triệu USD. Sẽ ra sao nếu một nước có thế mạnh về nông nghiệp lại bị suy giảm xuất khẩu ở chính lĩnh vực chủ chốt đó?

Nguồn cơn của sự sụt giảm
 
Sau nhiều năm liên tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, 3 tháng đầu năm 2015, nhóm hàng nông lâm thủy sản đang nhận được những kết quả đáng quan ngại khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su… đều sụt giảm tới 30%. Sự sụt giảm này của lĩnh vực nông sản đã kéo theo tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trong quý I-2015 của cả nước chỉ đạt xấp xỉ 7%, trong khi mục tiêu đặt ra là 10%.
 
Những con số nói trên một lần nữa cho thấy  tính bất ổn trong sản xuất nông nghiệp. Và đối với một nước có nền kinh tế nông nghiệp là "trụ đỡ”, sự bất ổn ấy cần phải được loại bỏ.  
 
Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã được lãnh đạo ngành Công thương nêu rõ, bao gồm các nguyên nhân: Thứ nhất, do áp lực  cân đối cung-cầu trên thị trường thế giới, thứ hai, do giá cả của các mặt hàng như nhiên liệu, khoáng sản có sự sụt giảm đáng kể. Ngoài ra, biến động tỷ giá và những ảnh hưởng khác đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu… là những nguyên nhân cũng đã được nhà quản lý, giới chuyên gia dự báo từ trước.
 
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia trong ngành, đó chỉ là những nguyên nhân khách quan tác động đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa hơn chính là vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. 
 
 
Xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm sụt giảm đáng kể
Ảnh: Hoàng Long
 
Mạnh dạn thay đổi 
 
Trên thực tế, không thể phủ nhận, từ nhiều năm nay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng nông sản luôn đóng góp một phần rất quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặc dù có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây, song, xuất khẩu nông sản vẫn luôn đóng góp xấp xỉ 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, có tới 10 mặt hàng kim ngạch nông sản thường niên nằm trong nhóm xuất khẩu "tỷ đô” như gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản… Tuy nhiên, theo TS. Trần Tiến Khai, Trưởng Bộ môn Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), nếu so sánh với thị trường nông sản, thực phẩm thế giới ở khía cạnh giá trị xuất khẩu, thì các mặt hàng nông sản của Việt Nam lại có vị trí vô cùng khiêm tốn. Có thể thấy rõ điều này qua số liệu của Trung tâm thương mại thế giới về giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng. Cụ thể, theo trung tâm này, các nông sản có thị phần tương đối lớn như cà phê, chè, hồ tiêu và gạo…cũng chỉ chiếm khoảng 7,8% - 9,01% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn thế giới trong năm 2013. Còn các sản phẩm của ngành chăn nuôi hầu như vắng bóng trên thị trường thế giới. 
 
Trong khi đó, theo TS Trần Tiến Khai, các sản phẩm như sữa, trứng, mật ong, rau củ và trái cây lại có giá trị lớn với quy mô và thị phần lớn gấp hai, ba lần quy mô của ngành gạo. (Số liệu của Trung tâm thương mại thế giới cho biết, quy mô thị trường của các sản phẩm này của Việt Nam cao gấp 3,8 lần quy mô thị trường của lúa gạo trên thế giới – PV).
 
Với những phân tích về quy mô thị trường của các sản phẩm nông sản xuất khẩu, TS Khai đặt vấn đề: Bên cạnh việc duy trì khối  lượng và nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu truyền thống, cần tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp mới có tiềm năng, có khả năng tạo ra nhiều hơn giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như những sản phẩm kể trên.
 
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, cũng có thể thu hẹp quy mô sản xuất một số sản phảm có giá trị gia tăng thấp như lúa gạo, nhân hạt điều hoặc các loại nông sản không có lợi thế cạnh tranh như mía đường, lạc, đậu tương... để sử dụng nguồn lực một cách hợp lý hơn cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nếu cần thiết.
 
TS Khai cũng cho rằng, đi kèm với những đổi mới về sản phẩm xuất khẩu, yêu cầu đặt ra là phải đầu tư thích đáng cho nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, xuất khẩu những sản phẩm chủ lực. Mà trong đó, cần phải tái cơ cấu hệ thống khoa học công nghệ nông nghiệp, chú trọng nghiên cứu những vấn đề tồn tại về kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn quy trình sản xuất sạch. Đó là những điều kiện mà thị trường thế giới sẽ ngày càng đòi hỏi một cách khắt khe hơn.

Minh Phương