Việt Nam có “nền kinh tế” 3 tỷ USD từ điện thoại di động
Dân Trí | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 20 Tháng Ba 2015 09:21:00
Với sự bùng nổ của thiết bị di động (smartphone, tablet), hình thức kinh doanh online trên nền tảng di động ngày càng phổ biến. Trong năm 2014, ước tính doanh thu được từ thương mại điện tử trên nền tảng di động đã đạt 2,97 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2013.
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động” diễn ra ngày 18/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong những năm gần đây, thương mại điệntử (TMĐT) tại Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Việc phát triển và ứng dụng các giải pháp TMĐT trên nền tảng công nghệ di động để hỗ trợ hoạt động kinh doanh đang trở thành một xu hướng mới của TMĐT Việt Nam và thế giới.
Theo Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2014, ước tính doanh thu được từ TMĐT trên nền tảng di động đạt 2,97 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2013 và chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước.
Bên cạnh hình thức truy cập Internet truyền thống qua máy tính xách tay, người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển hướng sang sử dụng các thiết bị di động để truy cập Internet. Nếu như năm 2010 số người truy cập Internet qua điện thoại di động chỉ ở mức 27% thì sau 4 năm tỷ lệ này đã tăng 38% và đạt mức 65% năm 2014. Điều này cho thấy dư địa dành cho hoạt động TMĐT nói chung và hoạt động TMĐT trên nền tảng di động Việt Nam rất lớn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây không phải là hiện tượng cá biệt ở Việt Nam mà nhìn từ một số quốc gia trên thế giới, TMĐT đã trở thành một yếu tố rất quan trọng trong phát triển thương mại. Ở một số quốc gia phát triển có ứng dụng cao về công nghệ, doanh thu từ TMĐT trên nền tảng di động có những nước chiếm gần 50%, ví dụ như Hàn Quốc, Nhật Bản.
TMĐT là xu thế chung, có được sự tham gia sâu rộng của mọi tầng lớp người dân, người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh, các công ty, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, phát triển công nghệ thì TMĐT trên nền tảng di động chắc chắn đóng vai trò quan trọng trong TMĐT nói riêng và trong phát triển thương mại, dịch vụ nói chung. Theo dự báo, năm 2018, TMĐT trên nền tảng di động sẽ chiếm tới gần 50% của TMĐT trên toàn cầu.
Với internet và các ứng dụng di động, hoạt động mua sắm online đang ngày càng trở nên phổ biến
Quản lý phải bắt kịp xu thế công nghệ
Cũng tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương cho biết thêm, hiện nay theo số liệu thống kê, 1/3 tổng số thời gian online trên thiết bị di động; 58% lượng truy cập từ 18h – 23h trên thiết bị di động.
Các dịch vụ ngân hàng – thanh toán, dịch vụ tương tác, dịch vụ nội dung số, ứng dụng, trò chơi, quảng cáo, mua sắm qua thiết bị di động đang trở thành một trào lưu, một xu hướng phổ biến bởi tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng.
Đặc biệt đặc tính định vị của điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức giao dịch TMĐT. Giao dịch qua thiết bị di động đã đặt ra vấn đề từ mặt kinh doanh cũng như quản lý. Chính vì vậy, với sự thay đổi trong hình thức giao dịch thương mại thì cần có sự quan tâm đúng đắn cũng như xây dựng được chính sách phù hợp đối với TMĐT nói chung cũng như TMĐT trên nền tảng di động nói riêng.
Tại Hội thảo, chia sẻ về những thách thức khi triển khai các hoạt động trên nền tảng di động, ông Nguyễn Phượng Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho biết, sự phụ thuộc vào đối tượng khách hàng mục tiêu mà mobile và desktop có những chỉ tiêu khác nhau. Ngoài việc hiểu người dùng trên desktop, cần phải hiểu được người dùng trên mobile và phải có những chính sách vận hành thích ứng.
Đại diện Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Tsoft-G7 thì cho rằng, còn có rất nhiều tiềm năng ứng dụng trên nền tảng di động đối với thị trường Việt Nam bởi với dân số 90 triệu người, 39% sử dụng Internet, số lượng thuê bao di động trên 130 triệu thuê bao (1 người Việt trung bình có 1,45 thẻ SIM điện thoại), trong đó 34% dân số sử dụng Internet qua nền tảng di động và còn nhiều mảng ứng dụng khác còn bỏ ngỏ như về y tế, giáo dục, các chương trình dành cho trẻ em…
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam đã có nhiều chính sách mang tính định hướng của Nhà nước, cũng như có biện pháp tích cực và quyết liệt của Chính phủ nhằm tiếp tục phát triển TMĐT. Đồng thời đã có những chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cho TMĐT, tạo điều kiện thuận lợi nhằm ứng dụng công nghệ, công nghệ di động để phục vụ cho TMĐT.
Tuy nhiên, TMĐT cũng như TMĐT trên nền tảng di động cũng đang đặt ra bài toán về nhưng vấn đề giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với những thay đổi rất nhanh chóng về mặt công nghệ cũng như thay đổi về mặt nhận thức, quan điểm và cả về mô hình quản lý và tổ chức về dịch vụ liên quan đến hoạt động TMĐT.
Chính vì vậy, phát triển TMĐT rất cần những giải pháp lớn như các giải pháp liên quan đến chính sách, khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có những tương tác trên nền tảng TMĐT nói chung và trên di động nói riêng.
Bên cạnh nhóm giải pháp liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin là những giải pháp liên quan đến công tác quản lý - đây là những yếu tố then chốt đảm bảo trong hoạt động về phát triển TMĐT và đảm bảo lợi ích của thị trường của xã hội.
Bích Diệp