Thông điệp chính sách 2015 - 2016

Đại biểu nhân dân | Ngày cập nhật: Thứ Bảy, 14 Tháng Hai 2015 14:03:00

Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2014 và triển vọng năm 2015 khi những ngày Tết đã cận kề. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi vững chắc, Báo cáo của CIEM cho rằng, thông điệp chính sách của các năm 2015 – 2016 cần nhấn mạnh hơn nữa yêu cầu tạo lập, củng cố trật tự và kỷ luật thị trường.

Nhìn lại một năm nhiều biến động, Báo cáo đã ghi nhận nỗ lực nổi bật của Chính phủ trong đổi mới cơ bản về thể chế kinh tế, thể hiện ở số lượng luật được ban hành trong năm 2014 nhiều hơn so với các năm trước; một số luật đạt chất lượng cao. Bấm ngón tay, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung liệt kê những tác động tích cực của những thay đổi thể chế đến môi trường kinh doanh. Đó là quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được mở rộng và bảo đảm chắc chắn hơn. Doanh nghiệp thực sự được quyền tự do kinh doanh tất cả ngành, nghề mà luật không cấm khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó, xác định cụ thể danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Những rào cản gia nhập thị trường ngày một giảm bớt. Phạm vi và thẩm quyền can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước vào các doanh nghiệp có vốn nhà nước được thu hẹp. Nhiều quy định mới cải thiện hiệu lực bảo vệ quyền của cổ đông, nhà đầu tư; mở rộng tự chủ của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong dàn xếp và quyết định các vấn đề quản trị nội bộ công ty… Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng, những thay đổi này sẽ mở rộng quyền tự do, dân chủ trong kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý, tăng mức độ an toàn trong đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho kinh doanh.

Nhận xét về Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2014 và triển vọng kinh tế năm 2015, Ts Lê Đăng Doanh ấn tượng với những kết quả nổi bật về cải cách hành chính đã đạt được. Trong đó, phải kể đến Chính phủ đã cắt giảm thời gian nộp thuế từ 872 giờ xuống còn 170 giờ; giảm đến 2/3 công việc của cơ quan đăng ký kinh doanh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, bãi bỏ bẫy kinh doanh trái phép… Tuy nhiên, ông cũng gợi ý CIEM cần điều tra để xác minh thực sự thời gian nộp thuế đã giảm được bao nhiêu, chi phí ngoài pháp luật đã giảm bớt như thế nào.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng tham dự Hội thảo của CIEM. Ông nói rằng, thể chế kinh tế là một luật chơi điều chỉnh các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất kinh doanh và các quan hệ kinh tế, tạo ra sân chơi cân bằng giữa trong, ngoài nước, giúp doanh nghiệp nhận thức và có động lực tìm kiếm cơ hội trong hội nhập. Nhìn lại nền kinh tế 2014, rõ ràng các doanh nghiệp Việt Nam đang yếu đi, bằng chứng là đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu đều do các doanh nghiệp ở khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… Môi trường kinh doanh luôn luôn bị khống chế bởi thể chế. Nếu thể chế kinh tế không được cải cách mạnh mẽ thì vẫn không giải quyết được những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế, ông nhấn mạnh. Đây cũng là quan điểm của Ts Lê Đăng Doanh. Cải cách thể chế kinh tế không phải là nội dung mới nhưng những diễn biến đổi mới vừa qua, theo Ts Lê Đăng Doanh, đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong khu vực cũng như trên thế giới. Nếu điểm mạnh này được tận dụng tối đa sẽ trở thành chìa khóa giúp Việt Nam thực hiện được hoài bão trở thành một nền kinh tế thu nhập cao. Tuy nhiên, Chính phủ cần đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa thông tin, ngăn chặn lợi ích nhóm và chấm dứt ưu đãi vốn, đất đai cho khu vực FDI, nhất là phải chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Kinh tế vĩ mô ổn định và đang được củng cố. Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi vững chắc hơn. Niềm tin của thị trường đang dần khởi sắc. Quá trình hội nhập kinh tế vẫn diễn ra sâu rộng. Nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng với Việt Nam có thể đi vào ký kết và thực thi ngay trong năm 2015. Trong bối cảnh này, Báo cáo của CIEM cho rằng, ưu tiên chính sách nên tập trung hơn vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho kinh doanh, khuyến khích và cải thiện năng lực công nghệ gắn với tăng năng suất bền vững - khởi xướng từ năm 2014 – vẫn cần được duy trì và làm sâu sắc hơn. Trên nền tảng ấy, thông điệp chính sách của các năm 2015 – 2016 cần nhấn mạnh hơn nữa yêu cầu tạo lập, củng cố trật tự và kỷ luật thị trường.

Thái Bình