Sau 2 tuần khởi sắc đầu năm 2015, thị trường gần đây có biểu hiện đi ngang. Câu hỏi thường trực với mỗi nhà đầu tư lúc này là: thị trường tiếp tục đi ngang hay tăng trưởng trở lại?
Trước diễn biến hiện tại, ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) khẳng định, 6 tháng đầu năm 2015 là giai đoạn rất quan trọng với TTCK, vì có thể diễn ra nhiều thay đổi. Nếu tiền đồng được giữ ổn định thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại thị trường.
Những yếu tố nào có thể tác động đến thị trường 6 tháng đầu năm, thưa ông?
Theo tôi, TTCK Việt Nam trong năm 2015 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, các yếu tố hỗ trợ không còn mạnh như năm 2014. VN-Index năm 2015 có khả năng tăng trở lại mức cao nhất đạt được trong năm 2014, ở ngưỡng trên dưới 650 điểm.
Lý do, trong năm 2014 VN-Index đã tăng được trên 8%. Tuy nhiên, đà tăng so với các năm trước đã chậm lại (năm 2012 VN-Index tăng 17,7%, 2013 tăng 22%) và nếu so với các nước trong khu vực thì đà tăng của TTCK Việt Nam trong năm 2014 là yếu hơn nhiều.
![]() |
Năm 2015, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tốt |
Trong năm 2015, các yếu tố chính sách vĩ mô sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến TTCK, nhưng mức độ sẽ không mạnh như năm 2014. Trọng tâm của chính sách trong năm 2015 sẽ hướng đến các chính sách tài khóa tác động đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, thay vì các chính sách tiền tệ. Bởi lẽ mức độ nới lỏng của các chính sách tiền tệ đã bị hạn chế hơn do dư địa không còn nhiều.
Nhìn chung, về triển vọng TTCK trong năm 2015, NĐT khó nhận thấy có sự biến động mạnh. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng là năm để cơ cấu lại danh mục đầu tư, thay vì để thị trường dẫn dắt. Việc lựa chọn mã và điều chỉnh danh mục mới là quan trọng.
Vậy, ông nhận định thế nào về tác động của chính sách vĩ mô đối với sự phục hồi của TTCK?
Chúng ta thấy rằng, việc mở rộng room đang được thị trường tín nhiệm. Đồng thời, nhiều chính sách tạo thanh khoản các mã chứng khoán trung bình như thủy sản, cao su…. Thậm chí, chính sách cũng đang tạo ra phương thức thanh toán có lợi cho các NĐT, đáng tin cậy hơn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều đó chưa đủ. TTCK cần có những mã hàng hóa mới, có chất lượng cao hơn, thương quyền cao hơn để thu hút NĐT nước ngoài, họ sẽ đầu tư vào mã chứng khoán đáng với tầm vóc của họ. Khi thị trường có trụ cột lớn sẽ duy trì tính ổn định lâu dài. Hiện nay, hàng hóa chúng ta có giá trị chất lượng tương đối thấp, NĐT nhỏ dẫn đến sự bất ổn của thị trường.
Vậy năm 2015 ngành nào thực sự sáng giá?
Theo tôi, một số nhóm ngành vận tải biển, xuất nhập khẩu, công ty liên quan BĐS (mua bán, xây dựng, cho thuê…) và điện tử có khả năng tạo sóng trên thị trường. Cụ thể, vận tải biển là ngành phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu. Việt Nam là nước nhập khẩu xăng dầu rất lớn nên giá dầu giảm sẽ giúp cho các DN liên quan đến ngành này giảm được chi phí nhiên liệu. Đây là yếu tố giúp ngành này phát triển. Tương tự là ngành xuất nhập khẩu. Giá nguyên vật liệu trên thế giới giảm mạnh giúp cho các DN ngành này giảm được chi phí.
Ngành BĐS thì từ tháng 7/2015 cho phép người nước ngoài được sở hữu BĐS, điều này sẽ giúp cho ngành này tăng trưởng mạnh. Ngành điện tử thì thời gian gần đây có rất nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này, giúp cho thanh khoản trên thị trường tăng trưởng rất tốt.
Theo ông, nhân tố nào sẽ tác động trực tiếp đến TTCK trong thời gian tới?
Nếu quan sát, NĐT sẽ thấy rằng trong nửa đầu năm 2015 khối ngoại sẽ khó có sự giải ngân mạnh. Các yếu tố tiêu cực như Mỹ nâng lãi suất cơ bản, ngân sách chính phủ các nước dầu mỏ thâm hụt, bùng nổ tâm lý rời bỏ các khối tài sản rủi ro… sẽ tác động mạnh đến dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi và Việt Nam cũng sẽ chịu chung tình trạng này.
Tuy nhiên, tâm lý NĐT đang được cải thiện. Với bối cảnh thanh khoản thị trường tăng, CTCK hỗ trợ thêm margin, trong khi lãi suất tiền gửi tiếp tục có xu hướng giảm sẽ thúc đẩy NĐT cá nhân tăng cường giải ngân. Về DN, những tác động tích cực đến từ yếu tố vĩ mô như lãi suất giảm, tổng cầu tăng lên, chi tiêu ngân sách mở rộng, FDI tiếp tục chảy vào trong nước, giá dầu giảm, chi phí nguyên vật liệu giảm… sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của DN.
Về đầu tư tư nhân có thể đánh giá là sôi động. Đơn cử, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang rất quan tâm đến TTCK Việt Nam, đặc biệt là các blue chip và những cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường…
Xin cảm ơn ông!
Kim