Thu hút FDI - Đích nhắm phải là công ty đa quốc gia

Thời báo ngân hàng | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 16 Tháng Giêng 2015 09:35:00

Để đảm bảo cho một tương lai phát triển bền vững và lâu dài, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục có những thay đổi, cải thiện trong chính sách, môi trường đầu tư để thu hút các công ty đa quốc gia.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với những đóng góp tích cực nêu trên cũng xuất hiện những vấn đề tiêu cực như: tình trạng "lãi thật, lỗ giả", chuyển giá, lợi dụng có chính sách về ưu đãi đầu tư, thuế, gây ô nhiễm môi trường và xã hội ở nhiều nơi…

Các công ty đa quốc gia (TNC), đặc biệt là các công ty trong Top 500 DN hàng đầu thế giới là những DN dẫn đầu trong các chuỗi giá trị, nhờ những ưu thế vượt trội về công nghệ, trình độ quản lý, nghiên cứu và phát triển (R&D). Về lý thuyết, nếu thu hút được tốt luồng vốn đầu tư từ TNC sẽ giúp tạo sức lan tỏa năng lực sản xuất tới các DN trong nước, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho quốc gia.

Theo GS-TS. Đỗ Đức Bình (Đại học Kinh tế quốc dân), đây là thời điểm thuận lợi cho việc thu hút TNC, vì châu Á là khu vực đang phát triển và được rất nhiều TNC lựa chọn đầu tư. Nhất là khi nhiều TNC đang muốn chuyển dịch khỏi Trung Quốc, chuyển sang các nước lân cận. Trước các hiệp định lớn mà Việt Nam sắp tham gia như FTA Việt Nam – EU, TPP… đã có rất nhiều dự báo đưa ra về khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư lớn. Trong đó, cơ hội đang mở ra cho dòng vốn vào FDI tiếp tục tăng mạnh.

Riêng trong năm 2014, nền kinh tế đã thu hút trên 20 tỷ USD nguồn vốn FDI đăng ký; trên 12 tỷ USD nguồn vốn giải ngân. Đáng chú ý, phần lớn các hoạt động đầu tư FDI đều đổ vào ngành sản xuất giúp chuyển đổi cấu trúc ngành xuất khẩu của Việt Nam. Sự chuyển dịch tích cực này được Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC lưu ý trong báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố đầu tháng này.

Bởi nếu nhìn lại thời điểm năm 2006, dầu thô chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi điện thoại và linh kiện chưa xuất hiện trong báo cáo thống kê. Đến năm 2014, các lô hàng dầu thô đã giảm chỉ còn 4,8%, trong khi điện thoại di động đã tăng lên 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nguồn vốn đăng ký dồi dào trong khi giải ngân tăng mạnh trong năm 2014 mang trong nó một hàm ý rằng, trong trong năm nay và năm tới, nhiều nhà máy sẽ đi vào hoạt động tốt hơn và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng đó cũng chỉ là nhìn về ngắn hạn. Đến nay, mới chỉ có rất ít các TNC lớn, thuộc Top 500 công ty lớn trên toàn cầu vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Để đảm bảo cho một tương lai phát triển bền vững và lâu dài, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục có những thay đổi, cải thiện trong chính sách, môi trường đầu tư để thu hút các TNC. Từ nay đến năm 2020, về cơ bản bối cảnh kinh tế thế giới và tại Việt Nam đang và sẽ tạo ra những thời cơ rất tốt cho Việt Nam trong thu hút FDI, đặc biệt từ các TNC.

Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nghiên cứu về điều chỉnh chính sách FDI ở Việt Nam đến năm 2020 của Viện chỉ ra, Việt Nam nằm trong khu vực dịch chuyển chuỗi cung ứng của các TNC, nên rất có điều kiện thuận lợi để hưởng lợi từ cơ hội này. Các NĐT nước ngoài vẫn đánh giá cao lợi thế so sánh của Việt Nam trong phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, lợi thế của nước nông nghiệp nhiệt đới, nhất là sản xuất và chế biến nông, thủy sản có tiềm năng xuất khẩu lớn... Do đó, cần thu hút chọn lọc hơn và sử dụng FDI nhằm dịch chuyển lên khâu cao hơn trong chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, các tác giả của đề tài trên khuyến cáo, việc thu hút cần đi đôi với sử dụng hiệu quả, nên yếu tố trong nước, nhất là chính sách mới là quyết định. Việc điều chỉnh chính sách nhằm tận dụng FDI vào mục đích thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cần được đặt ra. Tức là cần thay đổi tư duy về vốn FDI và vai trò của nguồn vốn này đối với nền kinh tế cho phù hợp với giai đoạn tới, trước mắt đến năm 2020. Và cũng nên sử dụng khu vực FDI như là một công cụ để tăng năng lực của khu vực DN trong nước.

Các giải pháp được đưa ra tập trung vào hai nhóm chính: Nhóm điều chỉnh khung chính sách FDI và nhóm giải pháp điều chỉnh nội dung chính sách. Theo đó, từ nay đến hết năm 2015 cần hoàn thiện khung khổ luật pháp và chính sách, xây dựng danh mục lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Từ năm 2016-2020, thực hiện đồng bộ các chính sách điều chỉnh, nâng cấp năng lực công nghệ của DN trong nước đi đôi với xây dựng các cụm ngành, nhằm thu hút TNC có năng lực công nghệ.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, để thực hiện điều chỉnh chính sách FDI cần tăng cường nhận thức từ trung ương đến địa phương về sự cần thiết của điều chỉnh, ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, đổi mới thể chế để tạo động lực cho thu hút và sử dụng FDI hiệu quả hơn. Đồng thời, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện quy định về môi trường, nâng cấp quản trị của DN trong nước gắn với đổi mới quản lý của Nhà nước về đầu tư.

Anh Tuấn