Hoạt động mua bán - sáp nhập ngành dược được dự báo sẽ sôi động, có thể "tạo sóng" trên thị trường trong năm 2019.
Năm 2019, cổ phiếu dược là một trong những nhóm ngành được đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng nên nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Đây cũng là ngành có nhiều doanh nghiệp đang nằm trong diện tái cấu trúc, thoái vốn nhà nước. Bởi vậy, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) được dự báo sẽ sôi động, có thể "tạo sóng" trên thị trường. Và ngay những ngày đầu tháng 3, liên tiếp thông tin chào mua công khai được công bố.
Nguyễn Kim quyết thâu tóm Ladophar
Ngày 6/3 vừa qua, CTCP Ðầu tư và phát triển Nguyễn Kim đã công bố chào mua công khai cổ phiếu LDP của CTCP Dược Lâm Ðồng - Ladophar niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX). Trong đợt đăng ký chào mua này, Nguyễn Kim muốn mua vào 1.364.543 cổ phiếu, tương đương 17,43% lượng cổ phiếu đang lưu hành của LDP. Thời gian dự kiến hoàn tất việc chào mua đến ngày 10/5/2019.
Hiện là cổ đông lớn nhất tại LDP với tỷ lệ sở hữu 33,72%, nếu chào mua thành công, Nguyễn Kim sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,15%, qua đó nắm quyền chi phối hoạt động của LDP. Với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu và đầu tư lâu dài, Nguyễn Kim cho biết, sau khi thực hiện chào mua, LDP sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động kinh doanh chính như phát triển sản xuất đông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế và xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu…
Ðây không phải là lần chào mua đầu tiên của Nguyễn Kim. Chỉ trong năm 2018, Nguyễn Kim đã có 3 lần chào mua công khai cổ phiếu LDP, nhưng kết quả thu về khá hạn chế. Trong đợt chào mua này, mức giá mà Nguyễn Kim đưa ra là 25.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 9% so với lần chào mua gần nhất, nhưng vẫn thấp hơn 10% so với giá đóng cửa phiên giao dịch 8/3/2019 (đạt 28.400 đồng/
cổ phiếu).
LDP được biết đến là một trong những đơn vị sản xuất và phân phối các sản phẩm đông dược hàng đầu trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, với 3 nhà máy sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng từ dược liệu địa phương, năng lực sản xuất khoảng 800 tấn trà dược thảo, 800 tấn cao mềm, 180 tấn cao khô mỗi năm. Công ty có văn phòng đại diện, chi nhánh tại các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Ðà Nẵng và nhiều điểm bán hàng trên cả nước.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2018 của LDP, hoạt động thương mại mua bán dược phẩm mang lại doanh thu lớn nhất, chiếm khoảng 75% tổng doanh thu, kinh doanh thành phẩm sản xuất chiếm 24,9%. LDP cũng có hoạt động dịch vụ, cho thuê mặt bằng, nhưng đóng góp không đáng kể.
Những năm qua, lợi nhuận của LDP ổn định từ 15-20 tỷ đồng/năm, cổ tức tiền mặt trên mỗi cổ phiếu tương đương 25-30% mệnh giá - là mức khá hiệu quả đối với doanh nghiệp có quy mô vừa như LDP (vốn điều lệ 78 tỷ đồng, tổng tài sản 267 tỷ đồng). Tuy vậy, khá bất ngờ khi trong năm 2018, LDP đã báo lỗ lần đầu tiên từ khi niêm yết.
Cụ thể, kết thúc năm 2018, LDP đạt doanh thu 434,9 tỷ đồng, giảm 17,8% so với kết quả năm 2017. Lợi nhuận gộp cũng giảm 25%. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng khiến LDP lỗ trước thuế 20 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lợi nhuận 16,4 tỷ đồng của năm 2017.
Trong cơ cấu cổ đông của LDP, ngoài Nguyễn Kim, Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 31,88% vốn. Tháng 12/2017, SCIC đã đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ, trong khi Nguyễn Kim đăng ký mua vào với mục tiêu nâng sở hữu lên 51%.
Tuy nhiên, giao dịch bán cổ phiếu của SCIC sau đó không thành công và tỷ lệ sở hữu giữ nguyên đến nay. Dù không công bố lý do, nhưng nguyên nhân không thành công của thương vụ được cho là do 2 bên mua - bán không gặp nhau về giá. Mức giá khởi điểm chào bán cạnh tranh của SCIC khi đó lên đến 42.600 đồng/cổ phiếu, trong khi Nguyễn Kim chỉ chào mua với giá tối đa 32.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường, do cơ cấu cổ đông cô đặc nên thanh khoản cổ phiếu LDP thường xuyên ở mức rất thấp. Với việc Nguyễn Kim đã sở hữu gần 34% vốn và cho thấy rõ ý định thâu tóm, dự báo sẽ khó có nhà đầu tư thứ 3 tham gia trở thành đối trọng trong việc mua cổ phần từ SCIC khi cơ quan này tiếp tục tiến hành thoái vốn.
Taiso muốn nắm quyền chi phối Dược Hậu Giang
Ngày 4/3/2019, Taisho Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) đã gửi đề nghị chào mua công khai 28,35 triệu cổ phiếu DHG của CTCP Dược Hậu Giang, tương đương 21,68% vốn điều lệ Công ty. Ðây gần như là toàn bộ cổ phiếu DHG đang lưu hành ngoài thị trường nếu ngoại trừ 43,31% cổ phần mà SCIC đang nắm giữ. Với sở hữu 34,99% vốn tại DHG, nếu giao dịch thành công, Taisho sẽ nâng sở hữu tại DHG lên 56,68% và nắm quyền chi phối hoạt động tại doanh nghiệp.
Thực tế, việc thâu tóm DHG của Taisho đã được dự báo trước, khi đối tác này đã mua vào 24,5% cổ phần DHG từ tháng 5/2016 và nhiều lần được đồn đoán là ứng viên số 1 để sở hữu lượng cổ phần từ SCIC một khi thoái vốn.
Mặt khác, việc Ðại hội đồng cổ đông hồi tháng 4/2018 thông qua nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại DHG lên 100% cũng cho thấy sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn và được xem là bước chuẩn bị để hoạt động thoái vốn nhà nước đạt hiệu quả cao nhất, cũng như mở đường cho cổ đông ngoại tiến tới sở hữu doanh nghiệp.
Thực tế, sau khi hoàn tất các thủ tục nới room vào tháng 7/2018, Taisho đã liên tục tăng tỷ trọng sở hữu thông qua chào mua công khai và mua thành công 9,2 triệu cổ phiếu DHG trong tháng 8/2018, 3 triệu cổ phiếu DHG trong tháng 9/2018, trước khi mua thêm 925.000 cổ phiếu vào cuối tháng 2/2019 để nâng sở hữu lên 34,99%.
DHG hiện là một trong những doanh nghiệp có quy mô doanh thu, lợi nhuận dẫn đầu nhóm dược phẩm trên sàn niêm yết và cũng là một trong những doanh nghiệp sản xuất tân dược hàng đầu thị trường với 2 nhà máy sản xuất dược phẩm, 1 nhà máy bao bì, 1 vùng tảo nguyên liệu cùng hệ thống phân phối trải rộng. Thực hiện M&A DHG sẽ mở cánh cửa để Taisho xâm nhập và khai thác thị trường dược phẩm Việt Nam - vốn được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng.
Trước thông tin thâu tóm của Taisho, cổ phiếu DHG đã tăng tới gần 60% trong 2 tháng trở lại đây, bất chấp kết quả kinh doanh năm 2018 sụt giảm nhẹ, với 3.888 tỷ đồng doanh thu và 732,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ðóng cửa phiên 8/3/2019, cổ phiếu DHG đạt 119.000 đồng/cổ phiếu, tiến gần mức giá chào mua mà Taiso dự kiến (120.000 đồng/cổ phiếu).
2019, M&A doanh nghiệp dược tiếp tục sôi động
Trong vài năm trở lại đây, thị trường dược phẩm Việt Nam ghi nhận làn sóng M&A khá mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư nội và ngoại. Chẳng hạn, tại CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL), sau khi SCIC - cổ đông lớn nhất khi đó, thoái toàn bộ 36,35% vốn trong năm 2014, CTCP Ðầu tư F.I.T đã từng bước mua vào cổ phiếu DCL từ tháng 1/2015 và hiện đã sở hữu 74,61% vốn, nắm toàn quyền chi phối hoạt động kinh doanh của DCL.
Trong 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng đã lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ, phân phối dược phẩm thông qua M&A như Thế giới di động mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang, FPT Retails mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu…
Ðối với nhà đầu tư nước ngoài, sau khi Nghị định 60/2015/NÐ-CP có hiệu lực cho phép doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể nới room ngoại lên 100%,
CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (mã DMC) đã hoàn tất nới room vào tháng 9/2016 và CFR International ngay sau đó đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% trước khi chuyển giao sở hữu cho Công ty mẹ là Abbott. Trong năm 2018, CTCP Pymepharco (PME) hoàn tất tăng room ngoại lên 100% vào tháng 11, giúp Stada Service Holding nhanh chóng nâng tỷ lệ sở hữu lên 62% và nắm quyền chi phối doanh nghiệp.
Giai đoạn 2019-2020, với việc nhiều doanh nghiệp dược nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước, cũng như nhận được nhiều sự quan tâm của cổ đông ngoại, hoạt động M&A trong lĩnh vực dược phẩm dự báo sẽ rất sôi động.
Ðơn cử, tại Tổng công ty Dược Việt Nam - Vinapharm (mã DVN), theo Quyết định 1232/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn2017-2020, DVN nằm trong danh mục Bộ Y tế phải giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 0%. Thời gian hoàn tất theo kế hoạch là trong năm 2018, nhưng đến nay đang chậm tiến độ.
Tính đến cuối năm 2018, Bộ Y tế là cổ đông lớn nhất tại DVN với tỷ lệ sở hữu 65%, đứng thứ 2 là Tập đoàn Việt Phương (17%). Với mạng lưới nhiều công ty con, liên doanh liên kết trong lĩnh vực dược phẩm, quản lý nhiều tài sản, đất đai giá trị, DVN được đánh giá cao về sức hấp dẫn nhà đầu tư. Ngoài DVN, một số doanh nghiệp dược khác cũng nằm trong dánh sách thoái vốn nhà nước như CTCP Dược trang thiết bị y tế Bình Ðịnh, CTCP Dược khoa…
Trên sàn niêm yết, CTCP Dược phẩm Imexpham (mã IMP) hay CTCP Traphaco (mã TRA) cũng được đánh giá cao về khả năng xuất hiện các thương vụ M&A của nhà đầu tư ngoại khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn nhiều (hiện room ngoại tại IMP và TRA lần lượt là 48,55% và 45,7%).
Trong cơ cấu cổ đông của TRA, có 25% cổ phần được nắm giữ bởi bởi Mirae Asset và 15,12% nắm giữ bởi Super Delta Pte Ltd. Ông Kim Dong Hyu, Thành viên HÐQT TRA do Super Delta đề cử vốn là Trưởng đại diện văn phòng Việt Nam của Tập đoàn Dược phẩm DaeWoong. Cả Mirae Asset và DaeWoong đều đến từ Hàn Quốc.
Với dân số hơn 93 triệu người, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế của người dân Việt Nam ngày càng tăng khi thu nhập bình quân và dân trí được cải thiện.
Mặt khác, ngành dược Việt Nam đang được đánh giá cao về dư địa tăng trưởng. Cục Quản lý Dược Việt Nam dự báo, quy mô ngành có thể đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng 2 con số mỗi năm.
Ðiều này giải thích vì sao các doanh nghiệp dược nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Vốn là ngành được đánh giá thuộc nhóm phòng thủ, sự xuất hiện của các câu chuyện M&A có thể tạo nên “sóng” lớn cho cổ phiếu dược, mà trường hợp của DHG là một minh chứng.
Khắc Lâm