Nhờ làn sóng đô thị hóa diễn ra nhanh, nền kinh tế tăng trưởng mạnh, lĩnh vực cung cấp nước sạch đang trở thành một trong những địa chỉ thu hút dòng vốn đầu tư hấp dẫn hiện nay...
Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống nước tập trung chỉ mới đạt khoảng 85%. Ở một số khu vực như phía Tây Bắc TP.HCM, hệ thống nước sạch vẫn chưa được cung cấp nên người dân thường phải sử dụng giếng khoan để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Đó là cơ hội cho các DN nước mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nước vẫn còn thấp khi tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam đang ở mức khá cao: 21,5%, riêng TP.HCM lên đến 23,31%. Nên nếu có giải pháp khắc phục được thực trạng này, tin rằng lợi nhuận của ngành cung cấp nước sạch sẽ còn cải thiện đáng kể.
Trên sàn chứng khoán, một số công ty kinh doanh nước sạch cho thấy kết quả kinh doanh khá ổn định và hiệu quả, nhất là các công ty cung cấp nước hoạt động tại các đô thị đông dân, khu công nghiệp có quy mô lớn.
Điển hình như Công ty cổ phần cấp nước Thủ Dầu Một (Bình Dương) khi doanh thu năm 2018 của DN này tăng mạnh 45% lên 286 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gần gấp đôi lên 149 tỷ đồng. Với Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), lợi nhuận hợp nhất trong nửa đầu năm 2018 tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng hơn 48% đạt 147 tỷ đồng.
Hay như ông lớn Cơ điện lạnh REE, cấp nước luôn mà mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận ổn định nhất trong các năm gần đây. Năm 2018, nhờ hợp nhất thêm kết quả kinh doanh từ thành viên liên kết là Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, mảng kinh doanh này đem lại khoản lợi nhuận 154 tỷ đồng cho REE, cao hơn 64% so với năm trước đó. Hiện REE đang đầu tư vào khá nhiều các công ty nước với tổng quy mô lên đến 1.457 tỷ đồng, tức chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư của REE.
Trong năm nay, theo các công ty chứng khoán, lợi nhuận ròng kinh doanh nước sạch của REE dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhà máy Tân Hiệp II hoạt động ở công suất cao. Ở thành viên liên kết là Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà, REE có kế hoạch đầu tư thêm 600-700 tỷ đồng để cải tạo hệ thống cấp nước hiện tại, nâng công suất từ 220.000 m3/ngày lên 300.000 m3/ngày.
Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư thêm 6.000 tỷ đồng để lần lượt nâng công suất lên 450.000 và 900.000 m3/ngày. Các khoản đầu tư mới tuy tốn không ít vốn nhưng sẽ đảm bảo REE nâng cấp năng lực cạnh tranh và duy trì đà tăng trưởng về lợi nhuận trong dài hạn.
Nâng cấp thêm công suất cũng là điều mà Công ty cấp nước Thủ Dầu Một (TDM) hướng đến trong năm nay. Theo đó, TDM sẽ khởi công dự án nhà máy nước Dĩ An mở rộng với công suất bổ sung 100.000 m3/ngày. Dự kiến khoản đầu tư mới sẽ chạy hết công suất kể từ 2020 và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận hàng năm của công ty.
Điểm thuận lợi cho các công ty cung cấp nước sạch là giá bán lẻ cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp đang được điều chỉnh tăng mạnh. Ở Bình Dương, năm 2018 chính quyền tỉnh này đồng ý tăng giá bán nước lên thêm 10% và dự kiến tiếp tục tăng 5% giai đoạn 2019-2022. Ở TP.HCM, kế hoạch tăng giá bán lẻ nước từ đây tới 2020 dự kiến vào khoảng 7,9%.
Cơ hội tiếp cận với hạ tầng nước sạch tiếp tục mở ra cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bởi theo Quyết định 1232 của Chính phủ, trong 3 năm, từ 2017 - 2019, Nhà nước sẽ thoái vốn dần dần trên 57 công ty thuộc ngành cấp thoát nước, trải dài từ Hậu Giang đến Lạng Sơn. Trong số này có 24 công ty được bán với tỷ lệ sở hữu hơn 50% vốn điều lệ.
2019 được dự báo là năm đầy biến động của thị trường chứng khoán, trong đó nhóm các cổ phiếu đã tăng mạnh các năm trước như bất động sản, tài chính, hàng không... sẽ giảm tốc. Với nhiều rủi ro xuất hiện hơn, nhóm các cổ phiếu phòng thủ và có lợi nhuận ổn định như hạ tầng nước sạch có thể xem là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư.
Nam Minh