Trước kiến nghị về việc thu hồi 75,01% cổ phần tại CTCP Cảng Quy Nhơn (mã: QNP) mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bán cho CTCP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành, không ít người tỏ ý băn khoăn về giá trị của số cổ phần này thời điểm hiện tại sẽ được định giá thế nào.
Tháng 9/2015, sau hai lần thoái vốn nhà nước – đại diện là Vinalines, tỷ lệ nắm giữ tại cảng Quy Nhơn của công ty Hợp Thành tăng lên tới 86,23% vốn điều lệ với số tiền mua cổ phần khoảng 440 tỷ đồng.
Mức giá này thấp hơn quá nhiều so với tài sản của cảng Quy Nhơn. Việc thu hồi cổ phần sau cổ phần hóa (CPH) được đánh giá là phức tạp và chưa từng có tiền lệ.
Mất bò mới lo làm chuồng
Theo kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ GTVT đã cho phép Vinalines chuyển nhượng 30.312.262 cổ phần, tương đương 75,01% vốn điều lệ tại Cảng Quy Nhơn, thuộc sở hữu nhà nước là trái thẩm quyền, vi phạm pháp luật. Việc chuyển nhượng này được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, không báo cáo và chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Để khắc phục những sai phạm được TTCP nêu ra, Bộ GTVT mới đây đã có văn bản gửi Vinalines về việc hủy bỏ hai văn bản hành chính do cơ quan này ban hành liên quan đến việc CPH cảng Quy Nhơn: văn bản về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và văn bản về chuyển nhượng 49% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn cho công ty Hợp Thành.
Bộ GTVT yêu cầu HĐTV và Tổng giám đốc Vinalines căn cứ Kết luận của Thanh tra Chính phủ, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó, theo quy trình xử lý vụ việc, Vinalines và Bộ GTVT đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm. Các cá nhân có vi phạm liên quan đang được trình lên cấp có thẩm quyền xem xét và đang làm thủ tục để kiểm điểm.
Ngoài việc thu hồi các văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng hơn 75% cổ phần, TTCP còn kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines xem xét, xử lý việc bán 10% cổ phần tại Cảng Quy Nhơn cho công ty Hợp Thành tại thời điểm bắt đầu CPH (4,04 triệu cổ phiếu QNP).
Đáng chú ý, theo Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam, trong vụ việc này, Nhà nước sẽ không mua lại 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn nói trên mà sẽ thu hồi vì quá trình thoái vốn không đúng.
Cũng theo ông Lam, tiến trình thu hồi lô cổ phần tại Cảng Quy Nhơn đang có nhiều tín hiệu thuận lợi với sự rốt ráo từ phía người bán và Bộ GTVT, theo đó "các bên đã thống nhất với nhau thực hiện các thủ tục cơ bản".
Theo một nguồn tin từ Vinalines, Tổng công ty cũng đã cân đối được hơn 400 tỷ đồng để thực hiện mua lại lô cổ phần Cảng Quy Nhơn từ công ty Hợp Thành.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn việc thu hồi sẽ thực hiện theo cách nào khi hợp đồng chuyển nhượng đã được ký cách đây 4 năm và việc thanh toán cũng đã hoàn tất. Hiện, Hợp Thành đã tiếp quản, vận hành, đầu tư và thay đổi nhiều hạng mục tại Cảng Quy Nhơn.
PGs.Ts Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng Vinalines và Hợp Thành cần tính toán lại việc sau khi tiếp nhận công ty, quá trình kinh doanh thế nào, lãi lỗ ra sao, lỗ ai chịu. Trong thương vụ mua bán cổ phần này, ai sai, ai đúng, bên sai phải chịu trách nhiệm và xử lý thế nào?
Theo phân tích của giới chuyên gia, trước mắt Vinalines phải hoàn trả lại cho Hợp Thành số tiền mà nhà đầu tư này đã mua hơn 30,3 triệu cổ phần để Nhà nước tái sở hữu và hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Định giá thế nào?
Tiếp theo, Vinalines sẽ thanh toán cho Hợp Thành phần giá trị tăng thêm của lô cổ phần này dựa vào đóng góp của nhà đầu tư với kết quả kinh doanh của Cảng Quy Nhơn, cũng như các lợi ích khác trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Được biết, trong giai đoạn 2013-2017, Hợp Thành đã đầu tư hơn 622 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng Quy Nhơn sau CPH cũng rất tốt. Kết thúc năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 45 tỷ đồng, tăng 2,14 lần so với giai đoạn trước CPH.
Thế nhưng, Hợp Thành mua cổ phần từ Vinalines đã cách đây nhiều năm tính đến thời điểm hiện tại sau những khởi sắc mà Cảng Quy Nhơn đã đạt được thì định giá lô cổ phần đó có lẽ không chỉ dừng lại ở mức hơn 400 tỷ đồng.
Hơn nữa, liệu số cổ phần này có được Hợp Thành mang đi làm khoản thế chấp tại ngân hàng nào đó không; Các nghĩa vụ công nợ tại Cảng Quy Nhơn thời Hợp Thành sẽ ra sao?
Đáng chú ý, hồi cuối năm 2016, Hợp Thành đã bán ra hơn 3,3 triệu cổ phần QNP, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống còn 78,03% tương đương hơn 31,53 triệu cổ phần. Như vậy, nếu thu hồi hết 75,01% số cổ phần của Nhà nước thì Hợp Thành chỉ còn sở hữu khoảng 3,02% tại Cảng Quy Nhơn.
Hiện, tình hình kinh doanh của Vinalines đã khả quan hơn khi kết thúc năm 2018 đã giảm lỗ tới 80% và bước đầu kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận khiến Vinalines thoát lỗ lại đến từ việc giảm tỷ lệ sở hữu từ 58% xuống 48,99% CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) chuyển mô hình từ công ty con trở thành công ty liên kết.
Điều này đồng nghĩa với việc Vinalines không còn phải "cõng" khoản lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng của Vitranschart và ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 365 tỷ đồng trong khi 9 tháng đầu năm, Tổng công ty vẫn lỗ 174 tỷ đồng.
Thực tế, lợi nhuận đến từ doanh thu bất thường không phải năm nào cũng có, dù đã tạm thời "ngoi trở lại mặt đất" nhưng việc Vinalines "dư" tiền là khả năng khó có thể xảy ra, trong khi số tiền phải cho Hợp Thành lại không nhỏ.
Linh Đan