Vốn luôn lặng lẽ trước những con sóng của thị trường bởi không giành được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư, nhưng cuộc đua sở hữu các doanh nghiệp dược của những công ty nước ngoài đang nóng hơn bao giờ hết đã mang lại triển vọng tích cực cho nhóm cổ phiếu ngành này.
Thực tế, trong 10 công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam có tới một nửa đã bị cổ đông ngoại chi phối hoặc sở hữu cổ phần gần 50%.
Mới đây, CTCP Dược Hậu Giang (mã: DHG) thông báo đã nhận được đề nghị chào mua công khai cổ phiếu DHG của doanh nghiệp (DN) thuốc Nhật Bản Taisho Pharmaceutical Co., Ltd với mục đích muốn nắm quyền kiểm soát.
Đích ngắm của vốn ngoại
Theo đó, Taisho đề nghị mua vào 28,35 triệu cổ phiếu DHG, tương đương 21,68% vốn điều lệ của Dược Hậu Giang. Giá chào mua dự kiến 120.000 đồng/cp, cao hơn một chút so với giá thị trường, tương ứng tổng giá trị khoảng 3.400 tỷ đồng.
Hiện, Taisho đang là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu 45,67 triệu cổ phiếu DHG, tương đương 34,99% tổng số cổ quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty. Nếu giao dịch thành công, Taisho nâng tổng lượng sở hữu tại Dược Hậu Giang lên gần 74,12 triệu cổ phiếu tương ứng 56,68% và nắm quyền kiểm soát.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu ngành dược vẫn luôn được các chuyên gia đánh giá là nhóm ngành cổ phiếu phòng thủ, ít chịu sự biến động chung của thị trường. Đồng thời, đây cũng là ngành mang nhiều yếu tố đặc thù, với những tiêu chuẩn khắt khe về mặt công nghệ, rào cản gia nhập ngành cao.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, lĩnh vực ít được nhà đầu tư chú ý này lại âm thầm diễn ra những thương vụ thâu tóm lớn.
Trước trường hợp của Dược Hậu Giang, CFR International SPA - một công ty thành viên của Tập đoàn Abbott cũng đã nâng sở hữu lên 51% với tư cách là cổ đông chiến lược tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã: DMC) - DN dược đứng thứ 6 về doanh thu trên sàn chứng khoán.
Hồi cuối năm 2018, Stada Service Holding cũng nhanh chóng được thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Pymepharco (mã: PME) lên tối đa 72% mà không phải chào mua công khai ngay sau khi DN nới room lên 100%. Điều này đồng nghĩa với việc Stada Service Holding sẽ nắm mọi quyền quyết định tại Pymepharco .
Theo các chuyên gia, CTCP Traphaco (mã: TRA) và CTCP Dược phẩm Agimexpharm (mã: AGP) với sở hữu nước ngoài đều đã đạt trên 47% cũng sẽ có khả năng trở thành đích tiếp theo của dòng vốn ngoại trên thị trường dược phẩm.
Lý giải về dòng vốn ngoại liên tiếp đổ vào các DN dược, giới phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường dược phẩm Việt Nam và lợi ích từ việc tận dụng chi phí sản xuất giá rẻ, cùng hệ thống phân phối đã tạo nên sức hấp dẫn cho ngành.
Ngoài ra, xu hướng và tâm lý sử dụng thuốc đang dần chuyển hướng sang phân khúc chất lượng cao, đây là điểm rất tích cực cho các DN tập trung sản xuất dòng sản phẩm này.
Sự quan tâm ngày càng nhiều của các nhà đầu tư ngoại đến tiềm năng của thị trường dược phẩm được kỳ vọng có thể mang đến động lực tăng trưởng mới, cũng là nguyên nhân thúc đẩy đà tăng trưởng của cổ phiếu dược.
Kể từ đầu năm 2019 tới nay, cổ phiếu DHG đã tăng liên tiếp từ mức giá 76.200 đồng lên 118.600 đồng/cp (phiên 5/3), tương đương tổng mức tăng đạt 55,6%. Ở mức giá hiện tại, vốn hóa của Dược Hậu Giang đạt gần 15.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, năm 2018 là năm không mấy thành công của Dược Hậu Giang với đà giảm cả về kinh doanh lẫn giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Thoát "đìu hiu"
Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần của công ty đạt 3.888 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2017 và hoàn thành 97% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 651,6 tỷ đồng chỉ tăng nhẹ hơn 9 tỷ đồng so với năm 2017. Thị giá cổ phiếu cũng liên tiếp đi xuống, từ mức 113.350 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) đến kết thúc năm chỉ còn 79.000 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu PME cũng có một năm 2018 không mấy tươi sáng khi giảm từ mức giá 75.940 đồng (giá điều chỉnh) xuống 59.400 đồng/cp (phiên 2/1/2019), tương đương gần 28%.
Trong suốt tháng 1/2019, cổ phiếu PME cũng vẫn tiếp tục đà giảm về mức giá 52.700 đồng/cp với thanh khoản khá "èo uột", thậm chí có nhiều phiên giao dịch chỉ có 10 cổ phiếu được khớp lệnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, PME đã có sự hồi phục mạnh mẽ về mức giá 60.000 đồng/cp (phiên 5/3), tương đương tăng gần 14%.
Cùng chung cảnh ngộ, cổ phiếu DMC cũng ghi nhận mức giảm 50% trong năm 2018 từ mức 113.280 đồng (giá điều chỉnh) xuống 75.500 đồng/cp (phiên 28/12). Tuy nhiên, DMC hiện đã hồi phục về vùng giá 78.000 đồng/cp.
Trước đó, trong thương vụ khối ngoại nâng sở hữu tại Domesco, cổ phiếu DMC trên sàn chứng khoán cũng tăng hơn gấp đôi chỉ trong chưa đầy nửa năm, lên mức đỉnh gần 140.000 đồng/cp.
Sự phục hồi về giá cổ phiếu ngoài nỗ lực của bản thân DN, một trong những động lực giúp các cổ phiếu ngành dược tăng trưởng vượt bậc là nhờ các cơ chế hỗ trợ mới như Luật Dược sửa đổi, hết hạn bảo hộ độc quyền thuốc biệt dược gốc…
Hiện nay, mức chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe cùng quá trình dịch chuyển xu hướng tiêu dùng từ thuốc nội sang thuốc ngoại, dư địa phát triển của ngành dược Việt Nam vẫn còn khá nhiều. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại, cơ hội để các cổ phiếu ngành dược thoát khỏi sự chìm lấp và cất cánh là hoàn toàn khả thi.
Linh Đan