Thời tiết… ủng hộ cổ phiếu ngành điện

TBNH | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 04 Tháng Ba 2019 14:34:00

Lợi thế đầu tư đối với cổ phiếu ngành điện là tương đối lớn. Có điều, nhà đầu tư cũng phải coi trọng một số yếu tố có thể “bẻ gãy” sự thuận lợi của ngành.

Những năm gần đây, lượng mưa ít khiến các nhà máy thủy điện không chạy được hết công suất. Đơn cử như năm 2018, do lượng mưa ít hơn nhiều so với năm 2017; trong khi tăng trưởng tiêu thụ điện ổn định ở mức trên 10%. Điều đó đã giúp giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, chỉ có một số nhà máy thủy điện nằm ở khu vực có lượng mưa cao bất thường mới tận dụng được giá CGM cao và đạt tăng trưởng về lợi nhuận. Trong khi đó, hầu hết các nhà máy nhiệt điện lại bị tác động bởi việc giảm sản lượng hợp đồng và lỗ tỷ giá do đồng USD mạnh lên, qua đó khiến lợi nhuận sụt giảm. Việc giảm hợp đồng thậm chí còn tác động nhiều hơn lên nhóm nhiệt điện khí khi giá khí đầu vào ước tăng tới 21% trong năm vừa qua.

Tuy nhiên cơ hội đầu tư trong 2019 vẫn đang ủng hộ các DN niêm yết thuộc ngành điện – điện lạnh như: Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PVPower NT2), Tổng công ty Điện lực dầu khí (POW), Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC)…

Bước sang năm 2019, tiêu thụ điện được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn công suất hệ thống. Bởi khả năng El Nino sẽ trở lại và kéo dài trong nửa đầu năm nay, qua đó làm giảm nguồn cung thủy điện. Từ những yếu tố này, nhiều nhà phân tích kỳ vọng các nhà máy nhiệt điện sẽ được huy động nhiều hơn và do đó được tăng sản lượng hợp đồng. Ngoài ra, việc có đủ nguồn nhiên liệu đầu vào cũng sẽ là nhân tố thiết yếu để đảm bảo cho các nhà máy này có thể tận dụng diễn biến thuận lợi từ thị trường.

Trong một dự báo của EVN, tăng trưởng tiêu thụ điện trong năm 2019 có thể đạt 11% - 12%, chủ yếu được dẫn dắt từ khu vực dân dụng và khu vực sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, ước tính tăng trưởng công suất hệ thống từ 2018 chỉ khoảng 3.300 MW, tương ứng với 7,3% tổng công suất hệ thống tại thời điểm đầu năm. Ngoài ra, nguồn công suất mới trong năm 2019 chủ yếu tới vào nửa cuối năm, tức là sau khi kết thúc mùa khô. Vì vậy, tăng trưởng tiêu thụ điện có thể sẽ vượt tăng trưởng công suất hệ thống, qua đó tạo thuận lợi cho các nhà máy điện.

Trở lại yếu tố El Nino, hiện tượng này khả năng sẽ diễn ra trong nửa đầu 2019 và ảnh hưởng tích cực lên nhóm nhiệt điện và cải thiện CGM. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Khí tượng và Xã hội (IRI), có khoảng 96% xác suất El Nino sẽ xảy ra và kéo dài trong nửa đầu năm 2019. Sự xuất hiện của El Nino dự kiến sẽ tạo ra hiệu ứng kép là làm tăng nền nhiệt độ, đặc biệt là vào mùa khô, qua đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện từ khu vực dân dụng và dịch vụ. Đồng thời làm giảm lượng mưa tính chung trên cả nước, qua đó làm giảm nguồn cung thủy điện. Từ những tác động này, dự kiến giá điện thị trường sẽ tiếp tục tăng từ mức cao lên mức rất cao.

Trong khi với các nhà máy nhiệt điện, tình trạng thiếu nhiên liệu trong mùa cao điểm như năm 2018 có thể sẽ không còn tái diễn. Nhớ lại năm 2018, sự cố ở máy nén khí thuộc giàn Lan Tây làm giảm 10% nguồn cung khí ở Đông Nam bộ trong quý II/2018, ảnh hưởng lên các nhà máy điện khí trong khu vực. Hay sự cố thiếu than trong quý IV/2018 cũng khiến các nhà máy điện than ở phía Bắc phải giảm công suất vận hành hoặc thậm chí tạm ngưng phát điện.

Tuy nhiên, tính trạng này ít có khả năng tái diễn trong năm 2019 khi mà mỏ khí Phong Lan Dại đi vào vận hành từ tháng 2/2019, giúp nguồn cung khí ở Đông Nam bộ tăng 6% so với cùng kỳ, Chính phủ cũng có những bước đi quyết liệt trong việc đảm bảo đủ than cho các nhà máy nhiệt điện than, kể cả nhập khẩu thêm than. Ngoài ra, do dự báo giá dầu thô có thể giảm từ mức bình quân 72 USD/thùng trong năm 2018 xuống còn 65 USD/thùng trong 2019, ước tính giá khí có thể sẽ giảm tương ứng.

Trong khi đó, nhiều khả năng Chính phủ cũng sẽ cho phép tăng giá than bán cho nhiệt điện khoảng 5%. Như vậy, dự kiến khoảng cách giữa giá thành biến đổi của nhóm nhiệt điện than và nhiệt điện khí sẽ tiến về gần nhau hơn trong năm 2019, qua đó tạo ra cục diện cạnh tranh cân bằng hơn trong ngành. Và mức lợi nhuận của các nhà máy điện từ đó cũng sẽ được duy trì ổn định trong thời gian tới.

Ngoài ra việc thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) được đưa vào vận hành chính thức từ năm 2019 cũng là điều kiện cho các nhà máy phát điện có thể điều chỉnh tăng giá bán điện để phản ánh đúng hơn chi phí sản xuất điện và cung - cầu trên thị trường điện.

Lợi thế đầu tư đối với cổ phiếu ngành điện là tương đối lớn. Có điều, nhà đầu tư cũng phải coi trọng một số yếu tố có thể “bẻ gãy” sự thuận lợi của ngành. Đó chính là rủi ro tỷ giá đối với các công ty nhiều nợ ngoại tệ như doanh nghiệp NT2 và POW vay bằng đồng USD và EUR. Còn công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) thì vay bằng đồng KRW (tiền won của Hàn Quốc), hay Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) vay bằng đồng USD, JPY, CNY…

Ngoài ra, việc vận hành ở mức cao đòi hỏi các nhà máy phải duy trì được độ sẵn sàng, nếu để xảy ra sự cố kỹ thuật giữa lúc hợp đồng cao và giá điện thị trường cao sẽ dẫn tới phải thanh toán khoản doanh thu hợp đồng chênh lệch âm lớn, điều này ngay lập tức làm giảm lợi nhuận phát điện của mỗi công ty…

Phan Thanh Sơn