Đà Nẵng mở cơ chế nhà ở

Thời báo ngân hàng | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 11 Tháng Mười Hai 2014 09:39:00

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề xuất đến Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương được bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Đề xuất này được đưa ra trên cơ sở kiến nghị của UBND TP. Đà Nẵng, nhưng cơ bản điều chỉnh khá nhiều so với quy định trước đây: không được bán mà chỉ cho thuê.

Trước đó, TP. Đà Nẵng đã đề xuất được bán tổng số 846 căn nhà ở xã hội, bao gồm: 230 căn mà thành phố mua lại từ dự án nhà ở xã hội Blue House do Liên doanh DMC-579 làm chủ đầu tư; 286 căn của nhà T1 và T2 tại khu chung cư 12 tầng Nại Hiên Đông, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà và 330 căn tại khu chung cư Phong Bắc, thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ.

Theo Bộ Xây dựng, việc bán nhà ở xã hội nêu trên phải thực hiện theo đúng đối tượng, điều kiện quy định tại Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ. Trong đó, ưu tiên bán nhà ở xã hội cho đối tượng là người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn thành phố đang có khó khăn về nhà ở…

Cùng với đó, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng phải triển khai thực hiện việc bán nhà cùng với đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội để bảo đảm đúng mục đích là hoàn thành xây dựng các dự án nhà ở xã hội còn dở dang. Theo đó, toàn bộ số tiền thu được từ bán nhà ở xã hội, dự kiến khoảng 322 tỷ đồng, được dùng để tái đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Cụ thể, bổ sung kinh phí để hoàn thiện cho các dự án đang xây dựng dở dang là chung cư 7 tầng tại khu E2-KDC Nam cầu Cẩm Lệ, chung cư 11 tầng tại khu dân cư Phong Bắc, một khối nhà 9 tầng thuộc khu chung cư Phước Lý, bố trí vốn cho dự án đã phê duyệt thiết kế hồ sơ, chờ khởi công là 2 khối nhà 9 tầng cũng tại khu chung cư Phước Lý.

Nếu đề xuất của Bộ Xây dựng được Chính phủ chấp thuận, TP. Đà Nẵng sẽ ban hành quy trình bán nhà ở xã hội trên nguyên tắc giao cho hội đồng bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố thực hiện việc xét duyệt danh sách đối tượng đủ điều kiện mua theo đúng quy định, trình lãnh đạo thành phố quyết định phê duyệt danh sách.

Sở Xây dựng, cơ quan thường trực hội đồng bán nhà ở thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở; ký hợp đồng mua bán; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở…

Cho đến nay, Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội. Hiện, toàn thành phố có 229 khối nhà ở xã hội với 16.281 căn hộ đã và đang được xây dựng. Trong đó, vốn ngân sách thực hiện 193 khối nhà với 10.304 căn hộ. Nhà đầu tư thực hiện 36 khối nhà với 5.977 căn hộ…

Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn còn gặp khó khăn. Bởi, ngoài số lượng nhà ở xã hội đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, trên địa bàn còn 3 dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với tổng số 1.334 căn đang xây dựng dở dang vì thiếu kinh phí khoảng 228 tỷ đồng…

Do vậy, địa phương đang rất cần một nguồn vốn để hoàn thành xây dựng các dự án nhà ở này. Việc TP. Đà Nẵng đề nghị cho phép bán thí điểm nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, tạo nguồn vốn tái đầu tư nhà ở xã hội khác là một giải pháp cần thiết, phù hợp với thực tế; đồng thời góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho các chi phí quản lý, cải tạo, bảo trì quỹ nhà ở này.

Trước đó, theo ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, quá trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang gặp không ít khó khăn. Đối với những chung cư chính quyền đang quản lý, với giá cho thuê như hiện nay thì sau 50 năm, đủ thời hạn khấu hao, lúc đó nhà đã hết giá trị vẫn không thu lại được tiền vốn đầu tư xây dựng, trong điều kiện giá cho thuê các căn hộ còn nặng tính bao cấp.

Ngoài ra, nhiều chung cư xã hội ở Đà Nẵng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, dự kiến chỉ vài năm nữa sẽ trở thành gánh nặng về kinh phí đầu tư hạ tầng xã hội.

Trong khi, hàng năm nguồn thu từ thuê nhà chung cư không bảo đảm cho việc cân đối duy tu bảo dưỡng, chi phí quản lý… Công trình ngày một xuống cấp, số lượng nhà ở xã hội ngày một tăng lên sẽ tạo nên áp lực cho ngân sách địa phương… Do đó, theo nhiều người chủ trương bán nhà chung cư xã hội là cần thiết để người dân vừa làm chủ căn hộ của mình, vừa huy động nguồn lực trong xã hội. Từ đó, có nguồn vốn để xây mới, nâng cấp các chung cư nhà ở xã hội trên địa bàn.

Nếu Chính phủ đồng ý chủ trương cho TP. Đà Nẵng bán nhà ở xã hội, vấn đề nhiều người quan tâm là chính quyền sẽ đưa ra giá bán như thế nào để phù hợp với thực tế và khả năng chi trả của người dân…

Nghi Lộc