Ngành chăn nuôi - Thách thức từ một mục tiêu

Diễn đàn Doanh nghiệp | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 08 Tháng Mười Hai 2014 15:18:00

Theo ước tính, trong năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại. Trong đó, có 250 triệu USD nhập khẩu bò sống về giết thịt, với 200 triệu USD nhập khẩu từ Úc và 50 triệu USD từ các nước còn lại.

Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết 9 tháng đầu năm nay Việt Nam phải chi ra 72,8 triệu USD (tăng 23,7%) để nhập khẩu 68.755 tấn thịt gà ngoại (tăng 27,0% so cùng kỳ năm 2013). Thịt gà nhập khẩu đến từ 23 quốc gia, chủ yếu từ Mỹ, Brazil, Hàn Quốc, Ukraine, Iran và Ba Lan. Trong đó, lượng nhập từ Mỹ chiếm 55,5%, Brazil 17,2%, Hàn Quốc 12,3%, Ukraine 3,4%, Iran 3,1% và Ba Lan 2,9%. Nhìn chung lượng và kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường đều tăng.
 
Số liệu của hiệp hội Chăn nuôi cũng cho thấy Việt Nam nhập khẩu 129.273 con bò thịt các loại từ Úc, tăng 31.000 con so với số lượng nhập khẩu bò Úc của cả năm 2013. Dự kiến có khoảng 150.000 con bò Úc được nhập khẩu về Việt Nam trong năm nay, chưa kể hàng trăm ngàn con bò từ Thái Lan, Lào và Campuchia được đưa vào nội địa qua biên giới miền Trung và Tây Nam.
 
Chỉ sau mấy tháng mua bò từ Úc, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu bò nhiều thứ hai của Úc (sau Indonesia) với số lượng ngày một tăng.
 
Theo ước tính, trong năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại. Trong đó, có 250 triệu USD nhập khẩu bò sống về giết thịt, với 200 triệu USD nhập khẩu từ Úc và 50 triệu USD từ các nước còn lại. Nhập khẩu các loại thịt gia cầm và phụ phẩm gia cầm chiếm 120 triệu USD, còn lại là các loại thịt khác như heo, cừu, trâu…
 
Cũng liên quan đến ngành chăn nuôi, mới đây Bộ Công Thương cho biết, để phục vụ thị trường trong nước, đến nay, các DN đã chi gần 2,74 tỷ USD để nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ Achentina với tổng giá trị 1,08 tỷ USD, tiếp đến Hoa Kỳ 332,9 triệu USD và Trung Quốc 238,49 triệu USD. Trong đó, mặt hàng đậu tương nhập khẩu với số lượng gần 1,28 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 762 triệu USD; Ngô nhập đạt gần 3,68 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD; Lúa mì nhập khẩu đạt 1,79 triệu tấn, tương đương 563,5 triệu USD.
 
Chỉ tính riêng năm 2013, Việt Nam thu về 2,95 tỷ USD về xuất khẩu gạo nhưng chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.
 
Có sự liên quan không hề nhẹ trong việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng tỉ lệ thuận so với nhập khẩu thịt. Bởi với người chăn nuôi hiện nay là đầu vào thức ăn chăn nuôi chủ yếu nhập khẩu, giá thức ăn chiếm 65-75% giá thành sản phẩm so với khu vực.
 
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn cho chi phí đầu vào tăng cao và đầu ra khó khăn là cơ hội rất tốt để  các sản phẩm thit nhập khẩu lấn sân.
 
Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam thừa nhận: Việt Nam nhập nhiều thịt không phải do chăn nuôi trong nước không đáp ứng đủ, mà chủ yếu do giá thịt ngoại cạnh tranh hơn. Ngoài ra, thịt ngoại ngày càng tràn ngập thị trường là do chúng ta… không có hàng rào gì để ngăn chặn.
 
Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Điểm yếu cần khắc phục của ngành chăn nuôi thường được nhắc đến là phát triển không bền vững về năng suất, giá cả, chất lượng một số giống vật nuôi thấp, hình thức tổ chức sản xuất còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao… nhưng dường như chúng ta vẫn đang thiếu những chương trình hành động cụ thể.
 
Nông nghiệp nói chung và chăn nuôi vốn được coi là một trong những tiềm năng to lớn của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ đặt ra mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu… Nhưng rõ ràng những con số thống kê gần đây cho thấy mục tiêu trên đang là một thách thức rất lớn. Nói cách khác thế mạnh chưa chuyển hóa được thành năng lực cạnh tranh mạnh. 

Phan Nam