Hạn chế ngân hàng “buôn” cổ phiếu

Thời báo kinh doanh | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 04 Tháng Mười Hai 2014 09:03:00

NHNN đã có quyết định mạnh tay khi giảm tỷ lệ cấp tín dụng tối đa cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán từ 20% xuống còn 5% vốn điều lệ NHTM. Cùng với việc siết chặt điều kiện cho vay, tài sản thế chấp… liệu có hạn chế được tình trạng ngân hàng “bơm” vốn qua công ty con, công ty “sân sau” để tăng sở hữu chéo tổ chức tín dụng khác (TCTD)?

Trong những ngày gần đây, phiên tòa phúc thẩm xử vụ án sai phạm của ông Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) và hàng loạt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng Á Châu (ACB) lại thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đáng chú ý, tòa án sơ thẩm trước đó đã xác định các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) phạm tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế…” trong việc ACB cấp tín dụng cho công ty con để đầu tư cổ phiếu trái quy định pháp luật.

Siết chặt nguồn vốn

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, HĐQT ACB đã ban hành chủ trương và cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng cho CTCK ACBS (do ACB sở hữu 100% vốn) để đầu tư nhiều mã cổ phiếu. Sau đó, ACBS đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán với 2 công ty của “bầu” Kiên để mua cổ phiếu, gồm cả mã ACB là vi phạm quy định.

Tiền đầu tư danh mục cổ phiếu cũng do ACB “bơm” qua liên ngân hàng cho Kienlongbank và Vietbank vay, để cho ACBS vay lại. Cáo trạng xác định, ACB đã bị thiệt hại gần 60,5 tỷ đồng (do chênh lệch lãi suất). Hiện, tội danh của các bị cáo sẽ tiếp tục được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm và dự kiến tuyên án vào ngày 6/12.

Trên thực tế, đã có không ít ngân hàng và cổ đông lớn của ngân hàng “bơm” vốn cho các công ty con, công ty “sân sau” để thực hiện đầu tư cổ phiếu, mua cổ phần của TCTD khác. Trước đây, NHNN quy định tổng dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá, đầu tư, kinh doanh chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ NHTM. Tức là, ngân hàng có quy mô vốn 10.000 tỷ đồng thì tổng dư nợ cho vay nhóm này là 2.000 tỷ đồng.

Một số chuyên gia tài chính đã cảnh báo, hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán như cách làm của “bầu” Kiên đã diễn ra ở nhiều nơi và được ngân hàng hậu thuẫn nguồn vốn lớn. Điều này làm cho tình trạng sở hữu chéo, thâu tóm ngân hàng càng phức tạp, mà một nhóm cổ đông lớn có thể dùng “công thức” này để gia tăng sức mạnh tài chính của mình.

Tuy nhiên, theo quy định mới của Thông tư 36/2011/TT-NHNN của NHNN (có hiệu lực từ 1/2/2015), tổng dư nợ cho vay tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ không vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn tự cấp của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Giới hạn tỷ lệ cấp vốn ở mức 5% sẽ giúp hạn chế lượng vốn ngân hàng “bơm” cho hoạt động chứng khoán.

Hơn nữa, NHNN cũng siết chặt điều kiện cho vay, tài sản thế chấp. Cụ thể: ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, bảo đảm giới hạn và tỷ lệ an toàn, trích lập dự phòng… Đặc biệt, khách hàng và người có liên quan không phải là người có liên quan đến cổ đông sáng lập, cổ đông lớn; các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng hoặc DN mà ngân hàng nắm quyền kiểm soát…

Việc ngân hàng cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết để đầu tư hoặc cho vay lại để đầu tư, kinh doanh chứng khoán cũng bị cấm. NHNN cũng nghiêm cấm nhận thế chấp khoản vay bằng chính cổ phiếu đầu tư.

Sẽ giảm đầu tư “khủng”?

Ngoài lượng vốn lớn được cấp cho khách hàng đầu tư chứng khoán, trong vòng 5 năm qua, các ngân hàng không ngừng tăng quy mô đầu tư cổ phiếu TCTD, cổ phiếu DN trong nước. Hình thức là ngân hàng trực tiếp đầu tư hoặc ủy thác cho công ty chứng khoán mua cổ phiếu.

Ở nhóm NHTM, năm 2011, Techcombank đã đầu tư, kinh doanh hơn 464 tỷ đồng cổ phiếu và tăng lên tới 523,3 tỷ đồng vào năm 2012 (chiếm 5,9% vốn điều lệ). Năm 2013, Techcombank giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 302,4 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2014, tổng quy mô đầu tư cổ phiếu là 188,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,13%.

Trong các báo cáo, Techcombank không cho biết cụ thể đã đầu tư vào cổ phiếu của ngân hàng nào, tỷ lệ nắm giữ, giá trị bao nhiêu? Hiện, Techcombank vẫn đang sở hữu 6 triệu cổ phần (tỷ lệ 10%) của Công ty CP tài chính Hóa chất Việt Nam.

Quy mô đầu tư cổ phiếu của nhóm 4 ngân hàng có gốc quốc doanh rất lớn. Điển hình là Vietcombank, năm 2012, lượng cổ phiếu của DN, TCTD trong nước là 229,4 tỷ đồng. Năm 2013, lượng cổ phiếu nắm giữ giảm còn 172,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo Vietcombank cũng chia sẻ trên báo chí rằng tỷ lệ cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu chỉ chiếm 1% vốn điều lệ ngân hàng, vẫn kiểm soát tốt dưới giới hạn 5% như quy định mới tại Thông tư 36. Và, ngân hàng đã không cấp tín dụng cho các công ty con để phục vụ hoạt động này.

Mặc dù lượng cổ phiếu đầu tư khá khiêm tốn, nhưng Vietcombank lại đang sở hữu cổ phần tại 5 TCTD khác, mà theo Thông tư 36 sẽ buộc phải rút vốn, giảm sở hữu. Tổng giá trị cổ phần, cổ phiếu của Vietcombank tại MB, Eximbank, Ngân hàng Sài Gòn Công thương, Ngân hàng Phương Đông, Công ty Tài chính Xi măng Việt Nam có trị giá gần 2.164 tỷ đồng (năm 2013).

Có thể thấy, Thông tư 36 có hiệu lực sẽ hạn chế các NHTM cho vay, ủy thác vốn để phục vụ đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Nhất là “bơm” vốn cho công ty con, công ty liên kết để tránh lặp lại “vết xe đổ” sai phạm như trong vụ án “bầu” Kiên.

Hải Hà