VBF 2014 - Hiến kế tái cơ cấu DNNN trước yêu cầu TPP

Báo Hải quan | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 02 Tháng Mười Hai 2014 10:02:00

Theo Phòng Thương Mại Canada tại Việt Nam (CanCham), Canada đặc biệt ủng hộ và hiểu rõ vị thế của Việt Nam trong các đàm phán TPP và trong công cuộc cải cách DNNN.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2014 diễn ra sáng 2-12 với sự tham gia của Phòng Thương mại các nước tại Việt Nam với mong muốn kiến nghị và hiến kế giải quyết những vấn đề của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Là một quốc gia cũng từng tiến hành tái cấu trúc các DNNN phù hợp với chính sách thương mại và các cơ hội kinh tế trong thập niên 80 và 90, theo ông Antony Nezic, Chủ tịch CanCham, nhiệm vụ then chốt và thử thách nhất chính của Chính phủ Việt Nam hiện nay là tái cơ cấu các DNNN, khu vực đang tạo gánh nặng cho hệ thống tài chính, hệ thống phúc lợi xã hội, ảnh hưởng đến năng suất lao động và môi trường tự nhiên, để hướng đến một nền kinh tế thị trường có kỷ luật nhằm phân chia lợi ích một cách công bằng cho mọi công dân Việt Nam.

Đối với các DNNN không còn hoạt động hiệu quả và tạo lợi nhuận, cần tiến hành mạnh mẽ cổ phần hóa và chuyển giao quản lý và công nghệ hoặc chuyển đổi. Đối với các doanh nghiệp không còn cải tổ được nữa thì đóng cửa và khuyến khích sự tham gia và hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước để thay thế vai trò và nhiệm vụ của doanh nghiệp đó.

Điều này sẽ giúp củng cố vị thế của Việt Nam trong khu vực trở thành một quốc gia mạnh hơn về kinh tế và là điểm đến thu hút đầu tư về vốn, kỹ thuật, và thương mại.

Ông Antony Nezic cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong tái cơ cấu các DNNN theo Hiệp định Thương mại tự do Hoa Kỳ - Canada của nước này: Giống như Việt Nam, Canada gặp phải những trở ngại rất lớn đối với việc tái cơ cấu DNNN với lợi ích quốc gia, sự bao bọc của các ngành trọng yếu, sự e ngại bị “Mỹ hóa”.

Hiệp định thương mại tự do Hoa kỳ - Canada 1987 là một hiệp ước lịch sử tạo nên khu vực thương mại tự do rộng lớn nhất bằng cách xoá dần một loạt các rào cản về thương mại và tiến hành một quá trình tái tổ chức cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 10 năm.

Bộ trưởng Tài chính Canada tại thời điểm đó yêu cầu người dân Canada, vốn đang lo ngại đánh mất “lợi ích quốc gia”, hãy “thuận theo một niềm tin” và theo đuổi một Hiệp Định thương Mại tự do với một nước Mỹ rộng lớn và hùng mạnh hơn.

Và thành tựu Canada đạt được là đã bớt phụ thuộc vào một đối tác thương mại riêng lẻ vì quốc gia này đã trở nên thu hút hơn với tư cách là một thị trường và một khu vực thương mại độc lập. Môi trường pháp lý của Canada được cải tiến, tạo điều kiện hình thành và đảm bảo cho sự phát triển của một thị trường vốn và tài chính vững mạnh, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009…

Trong quá trình này, Canada đã tái cơ cấu Hãng hàng không quốc gia (Air Canada), Tập đoàn dầu khí Petro Canada, Công ty đường sắt quốc gia (Canadian National Rail), Tập đoàn Bombardier. Tất cả công ty này hiện được công nhận trên toàn thế giới và giá trị công ty đã tăng lên gấp bội.

“Giống như Việt Nam, Canada cũng có Tập đoàn dầu khí quốc gia – PetroCanada. Tập đoàn này đã cổ phần hóa hoàn toàn từ năm 1991 sau khi các hiệp định thương mại tự do được hình thành.

Giá trị của công ty kể từ đó đã tăng trưởng gấp bội. Quá trình cổ phần hóa hệ thống đường sắt quốc gia  đã diễn ra một năm sau đó vào năm 1992, ước tính giá trị đã tăng 15 tỉ USD tại thời điểm đó. Nông dân và nền nông nghiệp không bị ảnh hưởng khi mất hỗ trợ về hệ thống đường sắt mà thậm chí còn được cải thiện nhiều hơn khi hệ thống đường sắt được đầu tư đầy đủ để phát triển cơ sở hạ tầng và hình thành một mạng lưới đường sắt hữu hiệu nhất ở Bắc Mỹ”- ông Antony Nezic chia sẻ cho cho biết rằng, Phòng Thương Mại Canada tại Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc tái cơ cấu DNNN và sát cánh cùng các công ty và đối tác tại Việt Nam để đạt được những lợi ích xã hội và thương mại cho cả hai nước.

An Tư