Nhập siêu bắt đầu tăng cao

Đại biểu nhân dân | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 14 Tháng Mười Một 2014 09:53:00

Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT - XH năm 2015 vừa được QH thông qua xác định nhập siêu trong năm tới bằng 5% so với kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tiêu này được đưa ra do thời gian tới sẽ triển khai nhiều chính sách tạo thuận lợi cho kinh doanh, nên nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu của doanh nghiệp sẽ phục hồi. Nhưng trong 2 tháng gần đây, nhập siêu đã có xu hướng tăng cao trở lại.

Trong 8 tháng, nước ta vẫn xuất siêu 1,7 tỷ USD,  bằng 1,8% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, diễn biến cán cân thương mại trong 2 tháng gần đây đang cho thấy những chuyển biến mới: nhập siêu tăng trở lại với mức độ tương đối lớn (tháng 9 nhập siêu 600 triệu USD, tháng 10 ước tính 400 triệu USD). Nguyên nhân là xuất khẩu trong 2 tháng gần đây có dấu hiệu chững lại, thậm chí tháng 9 còn sụt giảm khá mạnh (chỉ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 5% so với tháng 8), trong khi nhập khẩu vẫn tăng đều qua từng tháng.


Nguồn: vietstock.vn

10 tháng qua, nước ta vẫn nhập siêu chủ yếu từ các đối tác truyền thống, có vị trí địa lý gần với nước ta. Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 23,1 tỷ USD, gấp 2 lần so với mức nhập siêu từ quốc gia đứng thứ hai là Hàn Quốc. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc còn cao do đây vẫn là nguồn nguyên phụ liệu đa dạng, giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc, da giày, điện tử... thường lựa chọn đối tác nhập khẩu nằm trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu của mình, nên vẫn chưa thể giảm nhập khẩu từ quốc gia này.

Nhập siêu tăng cũng có nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chững lại từ tháng 6.2014 đến nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của dệt may chững lại, còn da giày và dầu thô có xu hướng giảm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu trung bình của dệt may trong tháng 9 và tháng 10 chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD/tháng, trong khi 2 tháng trước đó trung bình xuất khẩu khoảng 2,14 tỷ USD/tháng. Xuất khẩu da giày giảm từ mức trung bình 940 triệu USD/tháng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 về còn 770 triệu USD/tháng trong tháng 9 và tháng 10. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dầu thô cũng giảm từ mức 715 triệu USD/tháng về mức 470 triệu USD/tháng.

Một nguyên nhân khác được nhiều chuyên gia chỉ ra là sự mạnh lên của tiền đồng so với một số đồng tiền chủ chốt trên thế giới, là nội tệ của một số bạn hàng ngoại thương lớn của nước ta như EU, Nhật Bản đã khiến hàng hóa Việt Nam giảm sức cạnh tranh tại những thị trường này. Giá trị của tiền đồng mạnh so với euro, đồng yen... do đô la Mỹ liên tục tăng giá trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây, trong khi tiền đồng được neo vào đô la Mỹ. Cụ thể, so với mức trung bình của tháng 8 thì tiền đồng đã tăng giá 3,1% trong tháng 9 và 4,5% trong tháng 10 so với euro. Diễn biến tỷ giá yen/VNĐ cũng tương tự.

Thông thường, nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu là đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu tăng thường kéo xuất khẩu tăng. Nhưng nếu theo dõi kim ngạch trao đổi thương mại của nước ta trong những năm gần đây có thể thấy, không phải lúc nào mức tăng của xuất khẩu cũng tương ứng với nhập khẩu. Thực tế, trong tháng 9.2014, nhập khẩu nhóm hàng điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện đã tăng thêm 600 triệu USD, từ mức 2,1 tỷ USD trong tháng 8 lên mức 2,86 tỷ USD. Song, kim ngạch xuất khẩu hai nhóm hàng này chỉ tăng thêm 200 triệu USD, từ 2,8 tỷ USD lên mức 3 tỷ USD. Chính sự lệch nhau về thời điểm trong cơ cấu xuất nhập khẩu một số mặt hàng trọng điểm đã góp phần đáng kể khiến nhập siêu quay trở lại trong hai tháng qua.

Đáng chú ý trong diễn biến nhập khẩu của nước ta trong thời gian qua là sự gia tăng trở lại của nhóm hàng xa xỉ. Tiêu biểu nhất là mặt hàng ô tô với kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt 2,8 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng ô tô nguyên chiếc đạt giá trị 1,18 tỷ USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế trong nước dần hồi phục cùng lộ trình giảm thuế theo AFTA đang khiến nhu cầu với mặt hàng ô tô tăng cao. Dự kiến xu hướng này sẽ chưa dừng lại khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN sẽ tiếp tục được cắt giảm qua từng năm và về mốc 0% vào năm 2018.

Lê Bình